10:11, 03/11/2016

Đầu tư công: Nêu rõ dự án sai phạm, xử lý nghiêm

Nhiều ý kiến thẳng thắn đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay về Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Nhiều ý kiến thẳng thắn đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay về Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.   

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Trên cơ sở khắc phục việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ trình Quốc hội Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần đầu tư tập trung, tránh dàn trải, lãng phí, kế hoạch đầu tư được công khai, minh bạch, chi phí phân bổ đầu tư đã ưu tiên tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách.


Đồng tình với báo cáo đánh giá của Chính phủ về Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ đã đánh giá thẳng thắn, đầy đủ về huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, đầu tư công giai đoạn 2011-2015.


Cụ thể, báo cáo chỉ rõ, thời gian qua nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, việc chấp hành các quy định về đầu tư công một số nơi chưa nghiêm, quyết định đầu tư nhưng không tính toán khả năng vốn, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt hình thức, phải bổ sung điều chỉnh vốn nhiều lần, bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian làm thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, đánh giá như trên là thẳng thắn, nhìn vào sự thật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nêu rõ có bao nhiêu dự án đầu tư mang lại hiệu quả, bao nhiêu dự án thua lỗ, nguyên nhân, giải pháp quản lý.


“Có như vậy mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý, làm bài học, hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư hiện nay”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói. 

 
Nhiều ý kiến ĐBQH cũng cho rằng, việc lần đầu tiên Chính phủ xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ giúp các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin-cho và chồng chéo giữa các nguồn lực.


Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), việc phân bổ theo kế hoạch này chưa bám sát quan điểm, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đã nêu trong báo cáo. Còn nhiều công trình, dự án được xác định là cấp bách, trọng điểm chưa đưa vào kế hoạch.


“ĐBSCL - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nơi mà dự báo đến năm 2020 có thể 2/3 ngập sâu trong nước biển, song trong 5 năm tới, kế hoạch này chỉ đầu tư một số cống, đập ngăn mặn. Các dự án, công trình của vùng này nếu không được đầu tư đồng bộ, không được quy hoạch lại sản xuất, khó có thể giữ được sự trù phú của vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”, đại biểu nói.


Đồng tình với quan điểm này, một số ĐBQH đề nghị Quốc hội quyết định hướng tiêu chí, nguyên tắc phân bổ đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, còn dự án, chi phí đầu tư nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Chính phủ quy định.    


Một quan điểm cũng được khá nhiều ĐBQH đề cập là cần chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ưu tiên đầu tư vào hệ thống giao thông, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đường giáp biển kết nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ, ưu tiên dành nguồn lực cho dự án đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt Bắc-Nam. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm hợp lý, công bằng và tiết kiệm. Cần rà soát lại các tiêu chí, bảo đảm hợp lý, công khai, minh bạch và các dự án trong danh mục phải thực sự cấp bách, mang lại hiệu quả thiết thực.    


Trong quá trình thảo luận, cũng có một số ý kiến cho rằng vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến bố trí cho ngành GTVT khá cao so với các ngành khác. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng GTVT là ngành “đi trước mở đường”, do đó đầu tư cho hạ tầng GTVT sẽ góp phần phát triển các lĩnh vực khác.


Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị cần nêu cụ thể ưu tiên bố trí vốn để đầu tư làm đường cao tốc Bắc-Nam và nâng cao năng lực, đổi mới một cách căn cơ ngành đường sắt nhằm kết hợp hài hoà, phát huy tối đa hiệu quả của các loại hình, phương thức vận tải.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang). Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề khó vì nhu cầu lớn, các nhiệm vụ, mục tiêu nhiều và đều nhằm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Trung ương và Chính phủ, phù hợp với kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, trong khi khả năng về ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.


Từ trước đến nay đang tồn tại 2 quan điểm mâu thuẫn và đi ngược chiều với nhau: Đó là cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực để thúc đẩy phát triển nhanh hơn, đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhanh hơn. Tuy nhiên, tại các địa phương đang có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn cũng cần phải quan tâm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương.    


Theo Bộ trưởng, định hướng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là định hướng đầu tư tất cả các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nên trong báo cáo trình Quốc hội phải đầy đủ 14 ngành, lĩnh vực đã được Quốc hội phê duyệt. Trong phương án phân bổ kế hoạch trái phiếu Chính phủ dành tỉ trọng lớn nhất cho ngành GTVT là nhằm thực hiện Nghị quyết 13 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020.   


Kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 41 đại biểu đăng ký, 27 đại biểu phát biểu.


Về Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, ý kiến ĐBQH thể hiện thống nhất đánh giá của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Theo đó, Chính phủ đã rất thẳng thắn nhìn nhận rõ những mặt còn hạn chế, nhất là trong quản lý thu, chi cũng như đề ra một số giải pháp để khắc phục hiệu quả.


Về Kế hoạch tài chính 5 năm, Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh ý kiến của các ĐBQH đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn để lường trước được những tình huống bất lợi, phức tạp có thể phát sinh.


Về trần nợ công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với ý kiến của ĐBQH cho rằng cần kiểm soát trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 53%, nợ nước ngoài không quá 50%. Trong đó, cần có giải pháp để tăng nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài.


Về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để tăng cường kỷ luật tài chính, đặc biệt trong đầu tư công. Bên cạnh đó cần rà soát lại danh mục để bảo đảm nguồn lực hạn chế được sử dụng một cách tối ưu nhất.


Theo chinhphu.vn