Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, thành tố đầu tiên chủ đề đại hội khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, điều đó thể hiện quyết tâm cao của Đảng là đã nhìn thẳng vào thực tế để đặt ra yêu cầu xây dựng Đảng về tư tưởng...
Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, thành tố đầu tiên chủ đề đại hội khẳng định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, điều đó thể hiện quyết tâm cao của Đảng là đã nhìn thẳng vào thực tế để đặt ra yêu cầu xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức nhằm không ngừng nâng cao sức chiến đấu của Đảng, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây là điểm mới trong tư duy xây dựng Đảng, là bổ sung hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Vấn đề xây dựng đạo đức của người cán bộ cách mạng đã được nêu ra từ rất sớm. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành ngay trang đầu tiên để viết về tư cách đạo đức của người cách mạng. Đây cũng chính là vấn đề trọng tâm xuyên suốt trong các tác phẩm của Người sau này như: “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), “Đạo đức cách mạng” (năm 1958) hay trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”; cho nên muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Đạo đức là những chuẩn mực giá trị được hình thành một cách khách quan trong xã hội, có tác dụng chi phối hành vi của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc của người cách mạng; làm cách mạng là công việc to tát, nếu không có đạo đức thì không làm nổi, không lãnh đạo được nhân dân. Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng phải được xem là vấn đề rất quan trọng, phải được quan tâm đúng mức trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Vì vậy, Đại hội XII nhấn mạnh phải “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng” cho cán bộ, đảng viên, đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vấn đề chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy khen thưởng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm; đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị là “coi trọng cả đức và tài, trong đó đức là gốc” để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như Bác Hồ đã nói.
Một Đảng trong sạch để cho nhân dân tin yêu phải gồm những đảng viên trong sạch, có lý tưởng, đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư vì đảng viên chính là cầu nối giữa Đảng với dân. Là “đầy tớ” của nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải tận tụy phục vụ nhân dân, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác hàng ngày trước hết phải là người có đạo đức công dân, gương mẫu làm tròn bổn phận công dân, đồng thời phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Đại hội XII đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nhu cầu xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nếu cán bộ, đảng viên không tự trau dồi đạo đức cách mạng sẽ dễ dàng bị sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về đạo đức. Điều đó sẽ làm cho nhân dân lo lắng, bất bình, ảnh hưởng xấu đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng. Do vậy, người cán bộ, đảng viên phải có cái tâm trong sáng, có lối sống trong sạch lành mạnh, trung thực, chân thành; phải lấy việc giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của mình để thuyết phục cấp dưới, tạo niềm tin và uy tín trong nhân dân, trong đồng chí, đồng sự và luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng cái nền gốc tinh thần vững chắc của Đảng, là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Rõ ràng, xây dựng Đảng về đạo đức, nhất là khi Đảng đã cầm quyền chẳng những cần thiết mà còn phải thường xuyên, lâu dài, hơn nữa phải đặt lên hàng đầu. Nó quyết định sức sống, sức chiến đấu của Đảng. Đạo đức trong Đảng đang là huyết mạch sinh mệnh của Đảng. Nó hệ trọng với từng đảng viên, càng đặc biệt hệ trọng với các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt các cấp. Do vậy, cán bộ, đảng viên phải tự giác tự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách người cán bộ, nhất là phẩm chất đạo đức, lối sống của người đảng viên. Sức mạnh đạo đức, trước hết là đạo đức trong Đảng là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm đủ sức chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên của chúng ta.
Việc học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng; gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVII và Nghị quyết Trung 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm đưa đất nước vững bước trên con đường dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN QUỐC NINH
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa)