Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình về dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thảo luận tại tổ dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, sáng 27-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe các Tờ trình về dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và thảo luận tại tổ dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì phiên thảo luận Tổ 19, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Khánh Hoà, Kiên Giang, Lâm Đồng.
Góp ý cho Luật quản lý ngoại thương, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương, để góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương, thống nhất quản lý đối với lĩnh vực này. Các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà tập trung các nội dung: Đề nghị Ban soạn thảo rà soát để giải thích đầy đủ các thuật ngữ chuyên ngành tại dự thảo luật để thống nhất cách hiểu; cần phải quy định cụ thể, đầy đủ hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác ngoại thương của Bộ Công thương với tư cách là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm đầu mối và phân định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; bỏ điều khoản chuyển tiếp vì đây là Luật mới ban hành, không cần thiết có điều khoản chuyển tiếp và rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sự thống nhất giữa tên gọi và nội hàm một số mục, chương, điều của dự thảo luật như mục 8, các Điều 55, 56, 57.
Góp ý cho dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật được chuẩn bị tốt. Các ý kiến góp ý tập trung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh cách viết tại khoản b, khoản g Điều 7 về Người được trợ giúp pháp lý để tránh hiểu nhầm, đồng thời mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn được trợ giúp pháp lý, thay vì tại địa bàn đặc biệt khó khăn như quy định tại dự thảo luật. Về tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét điều chỉnh giảm bớt các tiêu chuẩn vì quy định như dự thảo luật quá cao (tương đương với Luật sư), đồng thời phải tăng thời gian để Người trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu của luật, vì 01 năm là quá ngắn. Có ý kiến đề nghị có cơ chế để thu hút đội ngũ Luật sư giỏi tham gia công tác trợ giúp pháp lý.
Góp ý cho dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi), các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều luật xử lý trường hợp Quyết định hành chính tại thời điểm này là sai, dẫn đến việc Nhà nước phải bồi thường nhưng sau đó, Quyết định ấy lại được xem là đúng, đồng thời về phạm vi trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật nên có quy định chặt chẽ hơn để lường trước việc phạm vi trách nhiệm bồi thương sẽ được mở rộng trong tương lai. /.
Bùi Yến