10:10, 22/10/2016

Tiếp tục miễn, giảm thuế đất nông nghiệp nhưng phải giám sát chặt chẽ

Nhiều đại biểu Quốc hội đều đồng tình với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp của Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng của chính sách này.

Nhiều đại biểu Quốc hội đều đồng tình với đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp của Chính phủ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng của chính sách này.


Quốc hội xem xét miễn, giảm thuế sử dụng đất...


Chiều 21/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ về nội dung trên khi mà trước đó vào buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội về dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.


Ông Đinh Tiến Dũng cho biết Nghị quyết số 55/2010/QH12 miễn hoặc giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hầu hết các đối tượng. Hiện nay chỉ còn một số ít đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân (phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp); tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao; đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm đối với diện tích được Nhà nước giao; tổ chức được Nhà nước giao đất nông nghiệp mà không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp thì phải nộp 100% số thuế sử dụng đất nông nghiệp.


Nay, Chính phủ đề nghị tiếp tục sửa đổi Nghị  quyết số 55 theo hướng mở rộng đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp để khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao; bảo đảm công bằng giữa các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp.


Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp mà tổ chức đang trực tiếp sử dụng sản xuất nông nghiệp.


Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với việc miễn, giảm thuế này đối với các hộ gia đình, tổ chức trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp nhằm tiếp tục hỗ trợ tích lũy, đầu tư lại đồng ruộng, giúp nông dân, doanh nghiệp bám đất, bám làng.


Đại biểu đoàn TPHCM Trần Hoàng Ngân cho rằng đây là Nghị quyết có ý nghĩa đối với nông dân, nông thôn khi lĩnh vực nông nghiệp 9 tháng qua tăng trưởng chậm, cũng là ngành bị tổn thương vì hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu. Đời sống người nông dân còn rất khó khăn.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng như nhiều đại biểu khác ủng hộ đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa 4 nhóm đối tượng hộ gia đình được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (tương ứng với mức giảm thu 34,3 tỷ đồng).


Còn việc miễn, giảm thuế cho các tổ chức đang được giao đất sẽ là “đòn bẩy” để thu hút việc đầu tư sản xuất kinh doanh, các hoạt động nghiên cứu khoa học nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.


Từ vùng sản xuất nông nghiệp trù phú An Giang, đại biểu Nguyễn Mai Bộ “ủng hộ cả hai tay” khi miễn, giảm thuế cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất nông nghiệp. Nhưng qua người quen ông Bộ cho biết: “Có việc ở Lý Nhân, Hà Nam, thương nhân nước ngoài sang thu gom đất của bà con nông dân để sản xuất thì Nghị quyết này ra đời sẽ tạo kẽ hở cho các đối tượng khác trục lợi” và đề nghị Chính phủ đánh giá lại vấn đề này để không còn kẽ hở chính sách.


Trong khi đó, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng dự thảo Nghị quyết cần thể hiện toàn diện hơn các vấn đề liên quan tới giao đất nông nghiệp, làm rõ và ban hành các chế tài mạnh mẽ xử lý tình trạng Nhà nước giao đất mà cá nhân, tổ chức lại để hoang hóa hay sử dụng sai mục đích, làm lãng phí nguồn lực quốc gia và ngân sách Nhà nước.


Các ĐBQH cũng bày tỏ đồng tình với việc kéo dài việc thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp tới hết ngày 31/12/2020 như kiến nghị của Chính phủ.


Theo chinhphu.vn