Vượt qua muôn vàn khó khăn và sự đánh phá ác liệt của Mỹ - Ngụy, "những con tàu không số" đã vận tải, chi viện hàng trăm ngàn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vượt qua muôn vàn khó khăn và sự đánh phá ác liệt của Mỹ - Ngụy, “những con tàu không số” đã vận tải, chi viện hàng trăm ngàn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Giá trị to lớn và những thành tích, chiến công của Ðường Hồ Chí Minh trên biển đã khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo vô cùng sáng suốt của Ðảng ta và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với một tầm nhìn chiến lược, sâu rộng, Bác Hồ đã sớm có tư duy hướng ra biển và đặc biệt quan tâm đến biển, đảo. Chấp hành chủ trương, chỉ thị của Trung ương Đảng và trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 23-10-1961, Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân, được thành lập đánh dấu sự ra đời của lực lượng vận tải quân sự chiến lược trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại, duy nhất có trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Con đường thể hiện ý chí, khát vọng độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta.
Chiến công oanh liệt của Bộ đội Hải quân trên “Đường Hồ Chí Minh trên biển” bắt nguồn từ nhiều nhân tố, song nó gắn liền với sự quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo của Bác Hồ. Những lời Bác dạy bảo, căn dặn như mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc, là động lực thôi thúc mạnh mẽ toàn thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua gian khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1961, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, 6 thuyền gỗ gắn máy của các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa ra Bắc nhận vũ khí đã cập bến an toàn. Biết tin đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống Hải Phòng để động viên cán bộ, thủy thủ. Người căn dặn lãnh đạo, chỉ huy Cục Hải quân: Đón tiếp anh em quân giải phóng thật tốt. Bí quyết của mọi thắng lợi là bí mật, bất ngờ.
Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 11-10- 1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở hơn 30 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông I” do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên cùng 13 đồng chí rời bến Vạn Sét (Đồ Sơn) lên đường vào Nam Bộ. Sáng ngày 19-10, tàu Phương Đông I vào cửa Bồ Đề và cập bến Vàm Lũng (Năm Căn, Cà Mau) an toàn.
Đánh giá cao chiến công này, đồng thời để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759, Bác gửi điện biểu dương và căn dặn: “Nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc, cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà”… Tiếp nối thành công, những chiến sĩ Đoàn tàu không số đã vận chuyển hàng trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược, trang thiết bị và hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn ác liệt nhất, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam. Ngày 29-1-1964, Bộ trưởng Quốc phòng quyết định thay phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Phát huy thành tích đã đạt được, Đoàn 125 vừa xây dựng, vừa vận chuyển, lập nhiều chiến công mới.
Công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì Tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên). Sau sự kiện Vũng Rô, địch nghi ngờ tuyến vận tải bí mật của ta và ra sức lùng sục, đánh phá ác liệt. Trong thời gian tạm ngừng vận tải để nghiên cứu phương thức vận tải mới, Quân chủng Hải quân đã nghiên cứu, cải tiến các tàu vận tải thành các tàu đánh cá, tàu buôn... của các nước trong khu vực. Phương thức vận tải mới là cho tàu đi vòng ra hải phận quốc tế, chấp nhận xa hơn nhưng tránh được sự kiểm soát gắt gao của Hải quân Mỹ - Ngụy, tiếp tục vận chuyển vũ khí tới các chiến trường, đưa nhiều chuyến hàng vào bến an toàn.
Ngày 11-8-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Thư có đoạn viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú... Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước”. Thư của Người là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với bộ đội Hải quân.
Chúng ta mãi mãi tự hào về Ðường Hồ Chí Minh trên biển - con đường trọng yếu chi viện cho chiến trường để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những chiến công cũng như sự hy sinh cao cả của các anh hùng trên những con tàu vượt biển năm xưa như huyền thoại, đã lặng thầm góp hương thơm vào đài hoa chiến thắng của dân tộc.
Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân