Chiều 27/10, tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Chiều 27/10, tiếp tục kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Các đại biểu phát biểu ý kiến phiên thảo luận tại Tổ Ảnh: Đình Nam |
Bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bởi sau 6 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội hiện nay; chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền được bồi thường của người dân. Do đó, cần thiết phải sửa đổi và ban hành Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ bản khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại và quyền, lợi ích của Nhà nước.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải- Tp Hồ Chí Minh cho rằng, quy định như vậy là chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các lĩnh vực phải bồi thường. Trong khi quyền được bồi thường là quyền trong Hiến pháp quy định, nếu làm sai thì phải bồi thường. Trong Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định bao quát các lĩnh vực phải bồi thường do những người tiến hành thực thi công vụ nếu làm sai thì yêu cầu phải bồi thường. Như vậy, ngoài các lĩnh vực trong dự thảo Luật cần phải bổ sung một số lĩnh vực khác do luật khác quy định.
Đối với Nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước tại Điều 4, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Hà Nội cho rằng, chúng ta phải làm việc chuyên nghiệp và không có chuyện thương lượng. Nếu có đầy đủ văn bản, hồ sơ thì làm căn cứ xử lý thì trình lên cơ quan có thẩm quyền. Đại biểu cho rằng, người bị thiệt hại đã thiệt thòi nhiều năm trong tù không thể tính được mà còn thương lượng, kỳ kèo bớt một thêm hai. Đại biểu đề nghị, phải bỏ thương lượng, phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm quyền cho người dân.
Cơ quan có người tiến hành công vụ gây oan sai phải bồi thường
Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, dự thảo Luật được xây dựng theo phương án quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại như Luật hiện hành. Phương án thứ hai cho rằng, cần quy định theo hướng thu gọn một bước giảm số lượng cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự. Cơ quan giải quyết bồi thường là Tòa án và Viện kiểm sát thì giữ như Luật hiện hành.
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải- Tp Hồ Chí Minh, quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại như Luật hiện hành sẽ góp phần thực hiện bồi thường thuận lợi. Hơn nữa, cơ quan có cán bộ công chức gây oan sai phải có trách nhiệm bồi thường để ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, giúp họ nhận thức được việc làm sai trái của mình. Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải- Hà Nội cũng nhất trí theo phương án thứ nhất nhằm thực hiện bồi thường của nhà nước sát với thực tế hơn; đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính cơ quan quản lý cán bộ. Việc này không chỉ giảm bớt đầu mối cơ quan giải quyết bồi thường theo chủ trương thu gọn bộ máy, đồng thời tạo thuận lợi cho người được bồi thường. Đồng quan điểm này nhưng trong thực tiễn còn có những chồng chéo, khó xác định được cơ quan nào gây ra thiệt hại, Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh- Bình Định đề nghị, cần phải có một cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm xác định việc này.
Theo quochoi.vn