Nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2016), phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Nhân kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14-10-1930 - 14-10-2016), phóng viên Báo Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
- Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi đã phát triển và có đóng góp như thế nào với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thưa ông?
- Những năm qua, phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả. Phong trào đã có sức lan tỏa lớn, làm thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của hội viên nông dân; quy mô sản xuất của các hộ nông dân ngày càng mở rộng; động viên được đông đảo hội viên, nông dân phát huy tính chủ động, sáng tạo trong SXKD; khai thác được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nông dân đăng ký thực hiện và đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp năm sau cao hơn năm trước. Bình quân hàng năm có gần 75.000 lượt hộ nông dân đăng ký, chiếm khoảng 76% số hộ nông nghiệp và có trên 80% hộ đạt danh hiệu. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên, hộ hội viên nông dân thoát nghèo và làm giàu ngày càng nhiều. Phong trào đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, xây dựng nông thôn mới; vai trò và uy tín của tổ chức Hội Nông dân trong hệ thống chính trị được nâng lên. Bên cạnh đó, các cấp hội trong tỉnh đã vận động hội viên nông dân đoàn kết, tương trợ nhau thông qua những hành động cụ thể như: giúp vốn, giống, vật tư, công lao động, kinh nghiệm sản xuất; phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, dạy nghề, cho vay vốn, giúp nông dân có cơ hội làm giàu, những hộ khó khăn vươn lên sản xuất, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, thông qua phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, đây là tín hiệu quan trọng cho việc vận động nông dân tham gia kinh tế hợp tác trong giai đoạn mới.
- Hiện nay, việc tập hợp để phát huy vai trò của nông dân SXKD giỏi như thế nào, thưa ông?
- Nông dân SXKD giỏi là một bộ phận quan trọng của phong trào nông dân, vì thế các tổ chức hay tập thể liên quan đến phong trào này luôn được coi trọng và phát huy. Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng được 22 câu lạc bộ (CLB) nông dân SXKD giỏi với hơn 200 thành viên là những tấm gương điển hình SXKD giỏi trong trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ thương mại... CLB hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên nông dân sản xuất giỏi có chung ngành nghề và trách nhiệm trong SXKD, dịch vụ. Hoạt động của các CLB đã liên kết các hộ sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu nhập của nông dân. Từ đó hình thành tổ, nhóm liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Một số CLB điển hình như: CLB nông dân sản xuất giỏi xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) có 12 thành viên là nông dân SXKD giỏi trong trồng trọt, chăn nuôi. CLB đã xây dựng quy chế hoạt động, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, góp quỹ tương thân tương ái nhằm hỗ trợ những hộ nông dân nghèo ở địa phương. Mô hình này đã giải quyết 14 lao động thường xuyên, tăng thu nhập cho hộ gia đình và đặc biệt một số hộ khi tham gia CLB đã nâng cao thu nhập gia đình từ 1,5 đến 2 lần. CLB nông dân sản xuất giỏi xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh) có 25 thành viên với ngành nghề sản xuất chính là trồng lúa và chăn nuôi gà. CLB sinh hoạt đều đặn 1 lần/tháng với các hoạt động: tập huấn, tham quan, vay vốn, tham gia các chương trình, dự án sản xuất… Bên cạnh làm giàu cho gia đình, các thành viên trong CLB còn hỗ trợ, giúp đỡ các hội viên, nông dân khác về cách làm, vốn và đầu ra để cùng phát triển sản xuất.
Thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình CLB nông dân SXKD giỏi để các loại hình này trở thành nòng cốt trong phong trào nông dân SXKD giỏi của tỉnh; đưa CLB phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tham gia thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương; từng bước nâng cao chất lượng các CLB, đẩy mạnh quá trình liên kết giữa các CLB với nhau và với các tổ chức doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để mở rộng phạm vi hoạt động, tăng sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Xin cảm ơn ông!
Vĩnh Lạc (Thực hiện)