Những năm qua, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Khánh Hòa đã góp phần thay đổi diện mạo các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi của tỉnh Khánh Hòa đã góp phần thay đổi diện mạo các địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới cho vùng ĐBDTTS và miền núi phát triển.
Tiếp tục đầu tư
Theo ông Lê Quang Ngọc - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, việc tiếp tục triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực miền núi, đảm bảo an sinh xã hội; xây dựng vùng DTTS và miền núi của tỉnh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp; khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phấn đấu thu hẹp dần khoảng cách giữa khu vực miền núi với các vùng đồng bằng của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo Ban Dân tộc HĐND tỉnh thăm mô hình sản xuất của người dân. |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ có 39 xã thuộc khu vực I, II, III vùng DTTS và miền núi thuộc các địa phương: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Ninh Hòa, Cam Ranh, Diên Khánh sẽ được thụ hưởng các chính sách của chương trình. Ngoài ra, chương trình còn tập trung đầu tư cho 5 xã, 8 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, gồm: Thành Sơn, Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn); Giang Ly, Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh); Sơn Tân (huyện Cam Lâm); thôn Sông Búng (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa); Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa); Suối Rua (xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh).
Từ nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 với hơn 745,36 tỷ đồng, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho ĐBDTTS, từ đó hình thành cho người dân ý thức vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân nhằm giảm nghèo bền vững, thông qua các chính sách hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ; hỗ trợ vay vốn nhân rộng mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ; hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công có hiệu quả. Riêng 5 xã và 8 thôn đặc biệt khó khăn còn được thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định của Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều chính sách an sinh xã hội như: hỗ trợ về nước sinh hoạt, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ ĐBDTTS còn thiếu đất nhưng chưa được hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất; đào tạo nghề cho lao động DTTS, giải quyết việc làm... Cùng với đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: xây dựng, nâng cấp đường giao thông vào khu sản xuất, đường nội đồng, đường trục thôn…; đầu tư công trình cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn theo quy định của Chương trình 135.
Lựa chọn mô hình phù hợp
Giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh đề ra mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo DTTS bình quân giảm 5 - 6%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân của ĐBDTTS đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm; 70% số xã miền núi đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề từ trình độ sơ cấp trở lên đạt hơn 40%; 99% người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học; 95% người dân vùng miền núi sử dụng nước hợp vệ sinh… |
Vấn đề được nhiều người quan tâm là trong điều kiện nguồn vốn đầu tư hạn chế, phải làm sao để Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi của tỉnh phát huy hiệu quả. Giải pháp được đưa ra là phải phát huy vai trò của các đoàn thể, già làng, người có uy tín trong ĐBDTTS trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia chương trình. Trong phát triển kinh tế cho người dân, phải xác định, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với năng lực, nhận thức của đồng bào và thế mạnh của địa phương; hình thành các tổ chức hợp tác của nông dân, mở rộng hình thức hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm; đẩy mạnh công tác giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng theo quy định của Chính phủ…
Theo ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân…, thời gian tới cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình giao thông gắn kết với vùng sản xuất của đồng bào, phù hợp với ý kiến, nguyện vọng của người dân nơi thực hiện; cần phải tránh tình trạng đầu tư dàn trải không hiệu quả; phải đẩy mạnh việc giám sát thực hiện cũng như hiệu quả của các công trình… Qua đó, phát huy cao nhất hiệu quả của công trình, tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, hạn chế thiệt hại cho người dân.
HẢI LĂNG