Ngày 28/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn trong Luật các nội dung công khai từ công tác cán bộ, tổ chức biên chế đến kê khai, giải trình tài sản biến động… nhằm khắc phục cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm.
Ngày 28/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn trong Luật các nội dung công khai từ công tác cán bộ, tổ chức biên chế đến kê khai, giải trình tài sản biến động… nhằm khắc phục cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm.
Sau 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 , công tác PCTN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, tạo môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; từng bước tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác PCTN; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức và chế độ công vụ ngày càng được cải thiện…
Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít… gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong xã hội về quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước ta. Kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, những bất cập của Luật PCTN là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài Nhà nước
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật gồm 11 Chương với 126 điều. Theo đó, Chính phủ đề nghị mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật sang khu vực ngoài Nhà nước, trước mắt tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức xã hội khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ (gọi chung là các tổ chức xã hội).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: TH) |
Dẫn quan điểm của nhóm nghiên cứu về dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhiều ý kiến trong nhóm nghiên cứu tán thành với việc cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Bởi qua đánh giá, khảo sát của một số tổ chức trong và ngoài nước thì tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, môi trường đầu tư, các quan hệ kinh tế, tài chính, thương mại, đồng thời cản trở hiệu quả PCTN trong khu vực công…
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy tờ trình và dự án Luật vẫn chưa có khái niệm giải thích rõ thế nào là tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước, do đó nhiều quy định của dự thảo Luật về vấn đề này còn thiếu rõ ràng, thống nhất và lúng túng.
Mặt khác, cơ quan trình dự án cũng chưa làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc chỉ mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đối với các loại hình doanh nghiệp là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư và một số loại hình tổ chức xã hội. “Quy định như vậy sẽ tạo sự bất bình đẳng trong công tác PCTN đối với các loại hình doanh nghiệp, tổ chức xã hội khác nhau”, ông Cường nói
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội lại cho rằng, hiện nay chúng ta còn làm chưa tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước, do đó trước mắt chưa mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật mà nên tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực nhà nước, tránh dàn trải không hiệu quả.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị phải nghiên cứu thấu đáo nội dung này, giám sát chặt chẽ, bởi thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp mua xe 10 tỷ, 20 tỷ đồng, vậy việc chứng minh nguồn gốc nguồn thu như thế nào?.
Phải công khai, minh bạch, giải trình để khắc phục cơ chế “xin – cho”, lợi ích nhóm
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc công khai, nội dung công khai, hình thức công khai và đặc biệt xác định rõ trách nhiệm công khai thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, chế độ họp báo, phát ngôn, quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và gắn với việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi có yêu cầu (từ Điều 12 đến Điều 18 dự thảo).
Xuất phát từ tầm quan trọng biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, dự thảo đã quy định thành một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm hướng tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, bổ sung quy định mới về theo dõi biến động về tài sản, thu nhập.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội thẳng thắn chỉ ra cơ chế "xin- cho" là máy đẻ ra tiêu cực, là môi trường lành mạnh để phát sinh tham nhũng, tập trung nhiều nhất vào tiền và quyền. Trên cơ sở đó, đề nghị việc sửa đổi Luật phải làm thế nào “bớt việc để “xin” thì sẽ không có lý do gì để hối lộ, tham nhũng”.
Đề cập đến nguyên tắc công khai, hình thức công khai, bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay, mới đọc qua dự thảo Luật thì thấy bổ sung nhiều giải pháp như: họp báo, trách nhiệm công khai,minh bạch của người đứng đầu… Tuy nhiên, qua nghiên cứu và đối chiếu với luật hiện hành thì quy định mới đó chưa khắc phục được tình hình thực tế hiện nay.
“Hiện nay, tham nhũng trong công tác cán bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cử tri và toàn xã hội. Ví dụ, điều 18 quy định trách nhiệm giải trình nhưng nếu chỉ giải trình khi có yêu cầu thì chưa ổn. Cần bổ sung việc tự giải trình nhằm tạo sự đồng thuận cao, tránh cái sảy nảy cái ung”, bà Thúy nói.
Thêm vào đó, dự thảo bổ sung quy định xử lý vi phạm trong việc thực hiện công khai minh bạch nhưng rất chung chung, không đủ nghiêm minh để xử lý người vi phạm. “Đề nghị bổ sung các chế tài cụ thể tương ứng với mỗi hành vi vi phạm về công khai, minh bạch, bắt đầu từ việc đăng tải chức vụ, họ tên, nội dung vi phạm về công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng, rồi mới đến lượng hóa tính chất, mức độ vi phạm để chịu trách nhiệm pháp lý như khiển trách hay cảnh cáo…”, bà Thúy kiến nghị.
Đồng quan điểm, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị, các quy định của Luật cần nhấn mạnh, làm rõ hơn tính công khai, minh bạch trong các hoạt động, công tác quản lý của cơ quan nhà nước. “Làm sao để không thể tham nhũng được, tức là không có sơ hở, muốn vậy luật phải quy định chặt chẽ, đặc biệt phải khắc phục là cơ chế “xin- cho” hay “đặc quyền đặc lợi” vì tham nhũng ẩn trong đó…”.
Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, thành viên Ủy viên Ủy ban Tư pháp, quan trọng không phải là kê khai mà là xác minh. “ Kê khai rộng nhưng xác minh hẹp, có trọng tâm, trọng điểm, phải coi đây là công việc bình thường, thường xuyên. Từ xác minh mới xử lý được hành vi tham nhũng (nếu có)”, ông Nghĩa nói./.
Theo ĐCSVN