Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Công an xã.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Công an xã.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Dự án Luật Công an xã được xây dựng gồm 5 chương với 47 điều quy định chi tiết về vị trí, chức năng của công an xã; nguyên tắc hoạt động của công an xã; xây dựng lực lượng công an xã; tuyển chọn công dân vào công an xã; nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của công an xã; trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của công an xã...
Thảo luận dự án luật này, đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Công an xã.
Các đại biểu cho rằng công an xã là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã - chiếm khoảng 80% diện tích cả nước. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để lực lượng công an xã thực hiện nhiệm vụ còn nhiều bất cập, hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Công an xã là quan trọng và cần thiết.
Theo đó, Luật Công an xã sẽ tạo cơ sở pháp lý mới đầy đủ, tương xứng hơn trong tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động đối với công an xã; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật ở cơ sở.
Đề cập tới nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng dự thảo luật giao cho công an xã nhiều nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như lực lượng công an chính quy, trong khi đó ở cấp tỉnh và cấp huyện thì nhiệm vụ này do lực lượng chuyên trách trong công an nhân dân thực hiện. Nếu giao cho công an xã những nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như lực lượng công an chính quy là không khả thi, dễ dẫn đến lạm quyền, vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Vì vậy, đề nghị Luật Công an xã quy định theo hướng đối với những nhiệm vụ mang tính chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ công an thì do lực lượng công an chính quy đảm nhiệm, công an xã có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ lực lượng công an chính quy thực hiện những nhiệm vụ này tại cơ sở.
Đồng quan điểm nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu quy định theo dự thảo thì nhiệm vụ đặt lên vai của công an xã là rất nặng nề. Do đó nên rà soát lại để bảo đảm cho lực lượng công an xã hoạt động hiệu quả, đúng nghĩa là lực lượng vũ trang bán chuyên trách.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cơ bản đồng tình với bố cục của dự thảo, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo luật cần cụ thể hóa hơn nữa, bảo đảm tính chặt chẽ và khả thi cao hơn.
Về nơi làm việc của công an xã, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần bảo đảm điều kiện làm việc cho công an xã nhưng không nhất thiết công an xã phải có trụ sở làm việc riêng, vì với khoảng 11.000 xã như hiện nay, nếu công an xã có trụ sở làm việc riêng thì sẽ có chừng ấy trụ sở là sự đầu tư tốn kém và là việc hoàn toàn không nên.
Ngoài ra, ý kiến của các đại biểu cũng đề xuất cần có quy định rõ hơn về mô hình tổ chức của lực lượng công an xã; tiêu chuẩn về trình độ cho từng chức danh của lực lượng công an xã; có quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật về trang bị và các trường hợp sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với từng chức danh công an xã…
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh các ý kiến thảo luận cơ bản bày tỏ đồng tình với bố cục, nội dung của dự án Luật; cho rằng dự án Luật được nghiên cứu và chuẩn bị công phu, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong bổ sung, hoàn thiện dự án Luật Công an xã để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV tới đây.
Theo chinhphu.vn