Trong phiên khai mạc kỳ họp, nhiều nội dung mà cử tri toàn tỉnh quan tâm đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Trong phiên khai mạc kỳ họp, nhiều nội dung mà cử tri toàn tỉnh Khánh Hòa quan tâm đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi.
Cần nhân rộng các điểm bán thực phẩm sạch
Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Hồ Văn Mừng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đặt vấn đề: “Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là vấn đề cử tri hết sức quan tâm. Các giải pháp để xử lý tình trạng “thực phẩm bẩn” tuy đã được nêu ra nhưng chưa hiệu quả. Do vậy, cần phải có biện pháp hữu hiệu để xử lý tình trạng này, cần nghiên cứu các giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả”. Tiếp lời, đại biểu Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: “Hiện nay, rau sạch có mặt trên thị trường chưa đến 1%; một trong những khó khăn của người trồng rau sạch hiện nay là chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh trên thị trường, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ. Một vấn đề cần quan tâm nữa là phải xây dựng được nhiều điểm trồng rau sạch, bán rau sạch tại các địa phương trong tỉnh”. Đồng tình ý kiến này, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: “Cần tổ chức và nhân rộng các điểm bán thực phẩm sạch để người tiêu dùng an tâm trong việc sử dụng thực phẩm hàng ngày”.
Chủ tọa điều hành kỳ họp |
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “VSATTP đang là vấn đề “nóng” . Hiện nay, có 3 sở quản lý VSATTP trên địa bàn tỉnh, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý ở khâu sản xuất, Sở Công Thương quản lý ở khâu lưu thông, Sở Y tế quản lý thực phẩm trên bàn ăn. Vì vậy, muốn quản lý tốt VSATTP phải đồng bộ cả 3 đơn vị. Trên địa bàn tỉnh đang có nhiều điểm trồng rau sạch như ở: xã Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), xã Vĩnh Thạnh (TP. Nha Trang), xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh). Sản phẩm rau sạch ở các vùng này đang được tiêu thụ ở các siêu thị, các điểm bán rau sạch. Theo kế hoạch, trong tháng 8, sở sẽ xây dựng 10 điểm bán rau an toàn ở TP. Nha Trang và xây dựng 2 điểm ở các địa phương khác trong tỉnh”.
Giao thông ở TP. Nha Trang “rối loạn”
Đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị - Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang cho rằng: Hiện nay, tình trạng kẹt xe ở một số tuyến đường đang làm “rối loạn” giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang. Nguyên nhân là do tình trạng đậu, đỗ xe bừa bãi, phân bố giao thông tĩnh chưa đảm bảo. Vấn đề này không biết thuộc Sở Giao thông vận tải hay UBND TP. Nha Trang. Trong các lần họp giao ban, tôi đặt vấn đề thì được trả lời là thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh nên chỉ đạo rõ ràng, tạo điều kiện cho thành phố trong công tác quản lý nhà nước khỏi chồng chéo; khi phân cấp thì phải đi đôi với bố trí nhân lực và ngân sách để làm việc.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đã phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực giao thông vận tải. Trong đó, đường trong đô thị giao cho TP. Nha Trang quản lý, trong hạ tầng giao thông thì Sở Giao thông vận tải quản lý các tuyến: Quốc lộ 1C, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Tất Thành. Riêng đối với giao thông tĩnh hiện nay quỹ đất TP. Nha Trang thiếu trầm trọng. Dự kiến đến năm 2020 nhu cầu tối thiểu khoảng 10ha đất làm giao thông tĩnh. Tuy nhiên, hiện nay, tổng diện tích đậu xe chỉ khoảng 2.000m2. Tôi đã báo cáo UBND tỉnh tiếp tục khắc phục, trong đó có phương án lấy hơn 3ha trong sân bay Nha Trang để làm bãi đậu xe. Hiện nay, do lượng khách du lịch tăng đột biến nên lượng phương tiện tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường đã quá tải. Sở Giao thông vận tải đã trình Chủ tịch UBND tỉnh đề án tổ chức giao thông đường một chiều nhằm giải quyết vấn đề giao thông ùn tắc hiện nay.
Cần sớm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Khánh Hòa là 1 trong 5 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, nhiều diện tích sản xuất, nhất là lúa phải bỏ vụ do thiếu nước tưới; trước tình hình này, yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với tình hình hạn hán là hết sức cần thiết. Đại biểu Hồ Văn Mừng cho rằng: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nhiều địa phương bộc lộ sự lúng túng. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới, tỉnh cần sớm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng địa phương, đặc biệt là chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa 1 vụ sang trồng cây trồng khác; việc trồng cây gì, nuôi con gì phải gắn với đầu ra của sản phẩm”.
Đại biểu Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh lo lắng: “Nắng hạn kéo dài đã khiến đời sống nông dân hết sức khó khăn, sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước mắt, UBND tỉnh cần có chính sách hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do nắng hạn để họ ổn định đời sống, tái sản xuất. Về lâu dài cần đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chịu hạn, bên cạnh việc chuyển đổi cần phải hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, có quy hoạch phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương”.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Tấn Bản cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch của ngành nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt; dự kiến sẽ chuyển đổi 4.000ha đất lúa thiếu nước (trong tổng số 20.000ha đất lúa toàn tỉnh) để chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Một vấn đề được chúng tôi quan tâm là việc áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả trong điều kiện thiếu nước”.
HẢI LĂNG - VĂN KỲ (Ghi)