Đêm 13-8, nhân dân các xã quanh thị trấn Giã (Vạn Ninh) nổi trống, mõ, trang bị giáo, mác, gậy kéo về thị trấn hỗ trợ cho lực lượng tự vệ các tổng Phước Tường Nội, Phước Thiện, bao vây huyện đường, bắt giữ tri huyện Nguyễn Trọng Thuần, tịch thu ấn tín, tài liệu đem thiêu hủy trước sân huyện đường.
Đêm 13-8, nhân dân các xã quanh thị trấn Giã (Vạn Ninh) nổi trống, mõ, trang bị giáo, mác, gậy kéo về thị trấn hỗ trợ cho lực lượng tự vệ các tổng Phước Tường Nội, Phước Thiện, bao vây huyện đường, bắt giữ tri huyện Nguyễn Trọng Thuần, tịch thu ấn tín, tài liệu đem thiêu hủy trước sân huyện đường. Sáng 14-8, hàng ngàn đồng bào các nơi tập trung về huyện làm cuộc mít tinh lớn. Đồng chí Hoàng Hữu Chấp đại diện Ủy ban Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai Nhật và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời huyện. Tiếp sau đó chỉ trong 3 ngày chính quyền cách mạng đã nhanh chóng được thành lập khắp các làng xã.
Tại Ninh Hòa, phong trào quần chúng lên rất mạnh. Trong các ngày 14, 15, 16-8, quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở hầu hết vùng nông thôn. Sáng ngày 17-8, hàng vạn đồng bào các xã đổ ra đường biểu tình tuần hành, kéo về thị trấn bao vây phủ đường như kế hoạch đã vạch. Tri phủ mang giấy tờ, ấn tín ra nạp cho cách mạng. Sau đó cuộc biểu tình biến thành cuộc mít tinh lớn tại sân vận động (sau phủ đường). Đồng chí trưởng ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn và thành lập chính quyền cách mạng lâm thời phủ do đồng chí Trịnh Huy Quang làm chủ tịch.
Tin khởi nghĩa thắng lợi ở hai huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa truyền đi nhanh chóng làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng, trái lại làm cho kẻ địch thêm hoang mang, dao động.
Tuy nhiên, khởi nghĩa giành chính quyền ở Nha Trang là một vấn đề hết sức quan trọng và khá mạo hiểm bởi vì ở Nam Trung Bộ chưa có nơi nào khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh, lệnh khởi nghĩa của cấp trên chưa đến nơi, trong tỉnh lại có cả sư đoàn lính Nhật, riêng ở Nha Trang có trên 3.000 tên. Đêm 15-8, Tỉnh ủy lâm thời mở cuộc họp với đại biểu các huyện tại một địa điểm khu vực Xóm Mới gần kho xăng Phước Hải. Hội nghị biểu thị sự phấn khởi trước cuộc khởi nghĩa đang bắt đầu thuận lợi ở các huyện phía bắc tỉnh và nhanh chóng nhất trí phải chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa thắng lợi trong toàn tỉnh mà mấu chốt là cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang. Hội nghị bầu ban khởi nghĩa gồm các đồng chí Bùi San làm Ủy viên Thường trực và các đồng chí: Nguyễn Văn Chi, Trần Việt Châu. Hội nghị chủ trương tổ chức những cuộc biểu tình thị uy, qua đó tăng cường lực lượng và thăm dò sự phản ứng của Nhật.
Tiếp đó vào ngày 17-8 diễn ra Đại hội Việt Minh toàn tỉnh. Đại hội bàn cụ thể về kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh tại Nha Trang, bầu Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do các đồng chí Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch, Phạm Cự Hải Phó Chủ tịch, Trần Chí Hiền Ủy viên quân sự, Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ), Ủy viên thư ký và một số ủy viên phụ trách các ngành.
Được tin bọn đầu sỏ ngụy quyền tỉnh dự định tổ chức một cuộc mít tinh lớn của thanh niên vào ngày 19-8 để mừng chính phủ Trần Trọng Kim, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định lợi dụng cơ hội này để biến cuộc mít tinh do địch tổ chức thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh. Ông Đào Thiện Thi, thủ lĩnh Liên đoàn thanh niên Khánh Hòa được Ủy ban khởi nghĩa giao nhiệm vụ tranh thủ những điều kiện hợp pháp, tạo thuận lợi cho việc tập hợp quần chúng và binh sĩ yêu nước đến địa điểm mít tinh, đồng thời kéo được những tên cầm đầu chính quyền bù nhìn tỉnh Khánh Hòa, thị xã Nha Trang, Vĩnh Xương, Diên Khánh và các sĩ quan Nhật đóng tại Nha Trang đến dự. Để tăng thêm lực lượng hỗ trợ, Tỉnh ủy lâm thời và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh quyết định huy động nhân dân huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương nổi dậy khởi nghĩa cùng ngày với Nha Trang.
Công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền được triển khai hết sức khẩn trương, tràn đầy khí thế hào hùng, sôi nổi. Truyền đơn, cáo thị được phổ biến khắp nơi kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lên án phát xít Nhật, vạch mặt chính quyền bù nhìn tay sai thân Nhật. Các đội tự vệ bí mật tuần tra quanh khu vực tập trung người Pháp, và các doanh trại Nhật, bám sát các cơ quan đầu não quan trọng của chính quyền bù nhìn, theo dõi chặt những tên Việt gian đầu sỏ.
Sáng 19-8, một phái đoàn Việt Minh do đồng chí Nguyễn Văn Chi làm trưởng đoàn được cử đến Sở Hiến binh Nhật để thông báo cho phía Nhật rõ không được can thiệp vào công cuộc cách mạng của nhân dân ta và hứa sẽ bảo đảm cho quân Nhật rút về nước an toàn. Kế hoạch về cuộc khởi nghĩa tại Nha Trang được vạch ra một cách chu đáo, tỉ mỉ. Lực lượng tham dự mít tinh không chỉ hạn chế trong phạm vi thanh niên Nha Trang mà còn bao gồm các tầng lớp nhân dân thị xã và quần chúng ở các vùng thuộc huyện Vĩnh Xương, một bộ phận nhân dân và cán bộ phủ Diên Khánh.
Trưa ngày 19-8, nhân dân công khai mang gậy gộc, dây thừng, cầm những lá cờ “quẻ ly” cuộn chặt dấu bên trong lá cờ đỏ sao vàng và băng khẩu hiệu Việt Minh, rầm rập kéo về sân vận động Nha Trang. Bên ngoài, đó là đoàn người đi dự mít tinh của ngụy quyền, nhưng bên trong là các đội quân khởi nghĩa, có tự vệ vũ trang làm nòng cốt. Các đội tự vệ cách mạng và lực lượng yêu nước trong các đội lính khố xanh bám chặt bọn quan lại và những tên Việt gian đầu sỏ để sẵn sàng trấn áp ngay hành động chống đối của chúng. Đồng thời, ở các công sở, các cơ quan hành chánh và chính quyền của địch, ta cũng bố trí lực lượng canh gác chờ quân khởi nghĩa đến chiếm.
14 giờ ngày 19-8, một rừng người đã phủ kín sân vận động Nha Trang. Bọn quan lại tỉnh, huyện, thị xã, bọn hiến binh Nhật, bọn mật thám các loại, những tên cầm đầu các tổ chức phản động đều có mặt đông đủ. Tất cả bọn chúng đều bị lực lượng vũ trang bí mật kèm chặt.
15 giờ ngày 19-8 - giờ phút lịch sử trọng đại. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nha Trang bắt đầu bằng việc đồng chí Trần Oanh có mặt sẵn ở chân cột cờ bất ngờ hạ cờ “quẻ ly” của ngụy quyền xuống, dẫm chân lên và nhanh chóng buộc lá cờ đỏ sao vàng - lá cờ cách mạng vào dây và từ từ kéo lên đỉnh cột cờ, giữa tiếng hoan hô, hò reo của nhân dân vang lên như sấm. Phút chốc, băng cờ, biểu ngữ của Việt Minh từ bốn phía được tung ra. Bọn địch ngơ ngác, nhốn nháo. Một viên sĩ quan Nhật đặt tay vào đốc kiếm định bước lên, liền bị 2 tự vệ chặn lại, yêu cầu hắn đứng yên tại chỗ. Bỗng tiếng hô: “Nghiêm!” và lệnh chào cờ vang lên dõng dạc. Cả sân vận động trở lại im lặng trật tự, một sự im lặng trong giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc. Đội ngũ binh sĩ yêu nước do Lê Thám và Phạm Thám phụ trách, nhất tề bồng súng cùng hàng ngàn đồng bào đứng nghiêm chào cờ đỏ sao vàng đĩnh đạc, hiên ngang trên đỉnh cột, lộng gió tung bay dưới trời thu Nha Trang xanh thẳm.
Sau giờ phút nghiêm trang ấy, đồng chí Đào Thiện Thi được hai đội viên tự vệ trang bị súng ngắn bảo vệ, bước lên diễn đàn, thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tỉnh, và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng.
Bọn cầm đầu bù nhìn tỉnh: tuần vũ Phan Thanh Kỷ, án sát Lê Huy Tiềm, bọn ngụy quyền thị xã, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, bọn mật thám Việt gian bị tự vệ ta bắt đem đi. Băng đệm buồm chữ đen của ngụy quyền treo trên khán đài bị gỡ ném xuống đất, thay vào đó là băng vải đỏ chữ vàng “Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền cách mạng muôn năm!”.
Trước khí thế cách mạng sôi sục của quần chúng, viên sĩ quan Nhật hoảng sợ cùng đồng bọn chuồn thẳng.
Trong khi đó, hàng chục cán bộ được cơ sở Việt Minh công kênh diễn thuyết trước quần chúng. Tiếng hoan hô của nhân dân vang dậy: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!”...
17 giờ, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Quần chúng chia thành nhiều đoàn tỏa ra đi chiếm kho bạc, nhà đèn, máy nước, các công sở, cơ quan của chính quyền bù nhìn các cấp, doanh trại lính khố xanh, cảnh sát, mở nhà lao giải phóng tù. Đoàn tuần hành đông nhất kèm viên tỉnh trưởng Phan Thanh Kỷ vừa bị bắt đi theo, tiến thẳng đến “Tòa sứ”, nơi đóng cơ quan đầu sỏ ngụy quyền, tịch thu ấn tín và các phương tiện làm việc. Tại đây UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra mắt đồng bào. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời tỉnh nói vắn tắt 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi đồng bào đoàn kết, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng.
Các đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành trên các đường phố, với sự tham gia của quần chúng mỗi lúc một đông thêm, hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm!” và hát các bài hát cách mạng cho đến tận khuya.
Tại phủ Diên Khánh - một địa bàn quan trọng phía nam tỉnh, nhân dân đã sẵn sàng nổi dậy. Ngày 17-8, Ủy ban Việt Minh phủ triệu tập hội nghị đại biểu Việt Minh toàn phủ tại trường Phú Hậu (Suối Hiệp) để truyền đạt quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa của tỉnh. Những cuộc tuyên truyền xung phong và tuyên truyền vũ trang được tiến hành tại nhà hát Tân Đức, đình Đại Điền Trung, Hòa Tân. Cờ đỏ sao vàng được treo ở Thành, Phú Lộc, Đại Điền, biểu thị khí thế hừng hực của nhân dân trước ngày khởi nghĩa.
Theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa, từ mờ sáng ngày 19-8, nhân dân các vùng: Hòa Tân, Đại Điền, Phú Cốc, Trường Lạc rầm rộ biểu tình vũ trang thị uy tiến về Thành. Các đội tự vệ nhanh chóng chiếm giữ và bố trí lực lượng sẵn tại các điểm xung yếu: cầu Sông Cạn, nhà Dây thép, cổng Thành, đồng thời xây các chướng ngại vật trên quốc lộ số 1 từ Nha Trang đến Thành đề phòng lực lượng quân Nhật tăng viện lên.
14 giờ, quần chúng cách mạng chiếm giữ các công sở ngụy quyền như dinh Tuần vũ, Án sát... chiếm nhà lao Thành, thả tù nhân. 15 giờ, chiếm phủ Diên Khánh. 16 giờ, mấy nghìn nhân dân dự cuộc mít tinh lớn tại sân vận động nội thành để tiếp nhận sự ra mắt của UBND Cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Lê Hinh làm chủ tịch.
Tại Ba Ngòi, được tin thị xã Nha Trang và các huyện khác trong tỉnh đã khởi nghĩa thắng lợi, đêm 19-8, đồng chí Tôn Thất Chí tổ chức cuộc họp tại Trường Tiểu học Đá Bạc, thành phần bao gồm các đại biểu nhân sĩ, các phe nhóm chính trị, công chức, binh sĩ có cảm tình với Việt Minh để trình bày chủ trương khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh huyện. Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh tỉnh cử hai cán bộ là đồng chí Nguyễn Xuân Cúc và Võ Văn Yêm vào Ba Ngòi hỗ trợ các đồng chí ở đây tổ chức chỉ đạo khởi nghĩa.
Theo đúng kế hoạch, mờ sáng ngày 22-8, đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc trang bị giáo mác, gậy gộc, tên, ná, từ Cà Rôm, Hiệp Mỹ, Hiệp Thạnh, Trại Cá, Trà Long, Khánh Cam, Hòa Do, Mỹ Ca, Cồn Ké theo đường số 1 đổ về Đá Bạc. Đồng bào làm nghề biển Cam Ranh, Thịnh Xương, Cồn Sung, Bình Ba, Bình Hưng trên hàng chục chiếc thuyền lớn nhỏ giương cờ đỏ sao vàng cùng tiến về Đá Bạc, bao vây chiếm Nha đại diện hành chính và các công sở ngụy quyền. Viên kiểm lý Tôn Thất Ẩn giao nộp ấn tín, hồ sơ cho cách mạng. Các tên Việt gian phản động đều bị tự vệ bắt giữ. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện do đồng chí Nguyễn Xuân Cúc làm chủ tịch ra mắt quần chúng, tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Chỉ trong vòng hơn tuần lễ, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh, đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã.
P.V
(Theo Lịch sử Đảng bộ
Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa)