Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết:
- Giai đoạn 2011 - 2015, việc triển khai Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cấp, ngành đã chung tay tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống và bước đầu tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn 19,5%, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt 8,2 triệu đồng/người/năm; 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở…
Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác giảm nghèo tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo của các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo rất cao. Việc tiếp cận khoa học, kỹ thuật của đồng bào DTTS còn hạn chế nên năng suất, hiệu quả kinh tế chưa cao, việc lựa chọn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất chưa phù hợp; một bộ phận đồng bào DTTS chưa muốn thoát nghèo vì lo không còn sự hỗ trợ của Nhà nước; tình trạng sang nhượng đất trái phép trong đồng bào DTTS và miền núi còn diễn ra… Nguyên nhân của những tồn tại này là do điều kiện môi trường tự nhiên, địa bàn sinh sống của người dân còn nhiều khó khăn; công tác tuyên truyền vận động chưa sâu; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc hướng dẫn, hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ cho hộ mới thoát nghèo, cận nghèo còn những bất cập…
- Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình đặt ra những mục tiêu gì thưa ông?
- Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 có phạm vi thực hiện gồm 40 xã, trong đó có 39 xã thuộc 3 khu vực vùng dân tộc và miền núi và 1 xã vùng đồng bằng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Chương trình đặt ra các mục tiêu cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo DTTS bình quân giảm 5 - 6%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Phấn đấu đến năm 2020: thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt hơn 12 triệu đồng/người/năm; 70% số xã miền núi đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông; tỷ lệ lao động người DTTS qua đào tạo nghề đạt khoảng 40%, tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt hơn 99%, tỷ lệ dân số miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh hơn 95%...
- Ông có thể cho biết một số nội dung chính của chương trình?
- Giai đoạn 2016 - 2020, chương trình tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó hình thành ý thức tự lực, tự vươn lên trong cuộc sống của đồng bào; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tiêu biểu. Đặc biệt, chương trình sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững, với số lượng 10 hộ/năm, mức hỗ trợ 1 lần, tối đa 12 triệu đồng/hộ nghèo, 10 triệu đồng/hộ cận nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo người DTTS vay vốn nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ, mức vay 20 triệu đồng/hộ, thời hạn 3 - 5 năm; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ đối với hộ nghèo, 75% đối với hộ cận nghèo, 50% đối với hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó còn hỗ trợ các hoạt động: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công… Riêng 5 xã và 8 thôn đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định của Chương trình 135, với xã đặc biệt khó khăn là 300 triệu đồng/năm; thôn đặc biệt khó khăn là 50 triệu đồng/năm. Chương trình này còn thực hiện an sinh xã hội, với các hạng mục hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Các chính sách mới này sẽ áp dụng cho giai đoạn 2017 - 2020, riêng năm 2016 vẫn thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của giai đoạn 2011 - 2015.
Nhu cầu vốn đầu tư của giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chương trình này hơn 792 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 và nguồn vốn huy động khác.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LĂNG (Thực hiện)