Bên lề kỳ họp, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
Bên lề kỳ họp, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
- Mục tiêu cụ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 là sẽ tập trung đầu tư để có thêm 31 xã đạt chuẩn, đảm bảo đến năm 2020 toàn tỉnh có 53/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 37/41 xã chưa đạt chuẩn phải đạt từ 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên.
- Xin ông cho biết giải pháp để đạt được mục tiêu này?
- Thời gian tới, sẽ kiện toàn và củng cố hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, ban quản lý xã và ban phát triển thôn; có kế hoạch kiểm tra, giám sát và thực hiện thường xuyên có hiệu quả, tập trung đi sâu vào công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững số tiêu chí đã đạt được, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức; tăng cường hơn nữa các chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh kế hoạch hành động thực hiện “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện điều này, cần xác định ít nhất một sản phẩm chủ lực, có ưu thế của địa phương (cây trồng, vật nuôi, ngành nghề…) để phát triển sản xuất hàng hóa. Trước mắt, tập trung vào những ngành hàng mà xã đang làm, có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, các mặt hàng gia công, chế biến nông lâm thủy sản. Phấn đấu mỗi xã có ít nhất một mô hình sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để liên kết, hỗ trợ cho sản xuất hàng hóa; nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho nông dân góp cổ phần bằng đất đai để liên kết sản xuất với doanh nghiệp, giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập cải thiện đời sống.
- Để thực hiện hiệu quả chương trình trong giai đoạn này, nhu cầu vốn là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình phát triển nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 là 3.019 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách tỉnh và Trung ương 1.386 tỷ đồng, ngân sách huyện 713,824 tỷ đồng, ngân sách xã 379,791 tỷ đồng, vốn do dân đóng góp 241,885 tỷ đồng, vốn từ các nguồn khác là 297,810 tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả nguồn vốn, các địa phương cần xác định các dự án trọng điểm theo thứ tự ưu tiên trên cơ sở phân chia các nguồn vốn ngân sách, vốn huy động để triển khai dự án được kịp thời, hiệu quả. Cũng cần xác định xã đầu tư đạt chuẩn theo từng năm và xác định cơ chế đầu tư đặc thù để đảm bảo có đủ số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.
- Xin cảm ơn ông!
VĂN KỲ (Thực hiện)