11:08, 21/08/2016

Đẩy mạnh liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung

Ngày 20-8, tại TP. Nha Trang diễn ra Hội nghị góp ý nội dung, tổ chức và hoạt động của Ban điều phối liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung (gọi tắt là Ban điều phối) nhằm tìm ra cơ chế, giải pháp tốt nhất để cùng nhau phát triển.

Ngày 20-8, tại TP. Nha Trang diễn ra Hội nghị góp ý nội dung, tổ chức và hoạt động của Ban điều phối liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung (gọi tắt là Ban điều phối) nhằm tìm ra cơ chế, giải pháp tốt nhất để cùng nhau phát triển.


Điều hành hội nghị có các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng Ban điều phối; Đào Tấn Lộc - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Phó Trưởng Ban điều phối; TS. Trần Du Lịch - Trưởng Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng. Ngoài ra, còn có ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo 9 tỉnh thành viên Ban điều phối, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương tham dự.

 

Đồng chí Lê Thanh Quang chủ trì hội nghị
Ông Lê Thanh Quang chủ trì hội nghị


Hoạt động chưa hiệu quả


Tại hội nghị, ông Lê Thanh Quang cho biết, các tỉnh duyên hải miền Trung trong quá trình phát triển còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: thiếu sự liên kết, hợp tác và phối hợp giữa các địa phương; phát triển thiếu bền vững, chồng chéo trong chiến lược phát triển; còn có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương… Dọc vùng duyên hải, hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, liên vùng.


Nhận thức được vấn đề này, ngày 15-7-2011, lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã đồng thuận và thống nhất thành lập Ban điều phối để liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung. Đến tháng 8-2012, Ban điều phối bổ sung thêm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Với việc thành viên Ban điều phối là các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy đã tạo thuận lợi trong việc chỉ đạo bộ máy chính quyền 9 tỉnh, thành phố trong vùng phối hợp với ban, bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện các hoạt động liên kết từng bước đi vào chiều sâu. Cụ thể, Ban điều phối đã liên kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng các khu công nghiệp; thu hút đầu tư, phát triển thủy sản, phát triển công nghiệp hỗ trợ; phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách cho các tỉnh…

 

Đồng chí Lê Đức Vinh phát biểu tại hội nghị
Ông Lê Đức Vinh phát biểu tại hội nghị

 
Qua 5 năm hoạt động, bước đầu Ban điều phối đã tạo được những thay đổi về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị trong vùng về vai trò hợp tác phát triển KT-XH cũng như tạo được sự tin cậy, ủng hộ từ các bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, Ban điều phối chưa xây dựng được cơ chế liên kết có tính pháp lý cao giữa các tỉnh, thành trong vùng về quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, dịch vụ công; các địa phương còn lúng túng, bị động trong triển khai hoạt động liên kết; chưa tạo được lực đủ mạnh để gắn kết giữa các địa phương trong vùng; việc thực hiện cơ chế điều phối và nội dung liên kết đã được 9 tỉnh, thành phố ký kết còn hạn chế. “Ban điều phối chỉ mới cung cấp một hình mẫu gợi ý về thể chế phát triển vùng ở Việt Nam, chưa đủ định hình chắc chắn, được đảm bảo và hỗ trợ bằng các thể chế và chính sách quốc gia. Ban điều phối không có thực quyền trong việc quyết định hoặc tham gia ý kiến các vấn đề liên quan mang tính liên vùng, các định hướng, kế hoạch phát triển KT-XH và các dự án đầu tư lớn của các địa phương trong vùng”, ông Lê Thanh Quang phân tích.


Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, Ban điều phối còn thiếu một cơ chế pháp lý bởi quy chế hoạt động của ban chưa được thể chế hóa bằng văn bản pháp lý. Các lợi ích địa phương vẫn chi phối nhất định làm hạn chế sự hợp tác giữa các địa phương. Hệ quả là các hoạt động liên kết, phối hợp chuyên ngành chưa được cụ thể hóa, còn mang tính hình thức và thiếu thống nhất.

 

Khi thực hiện tốt liên kết vùng, TP. Nha Trang sẽ có nhiều lợi thế phát triển về du lịch
Khi thực hiện tốt liên kết vùng, TP. Nha Trang sẽ có nhiều lợi thế phát triển về du lịch


Đổi mới Ban điều phối

 

Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Ở phía bắc, khi Hà Nội phát triển có thể kéo các tỉnh vệ tinh như: Hải Phòng, Thái Nguyên, Hưng Yên… cùng phát triển theo. Ở miền nam, TP. Hồ Chí Minh cất cánh thì cũng kéo theo Đồng Nai, Bình Dương. Nhưng ở miền Trung có đặc thù các tỉnh trải dài dọc bờ biển nên chúng ta phải liên kết cùng phát triển chứ không có tỉnh nào làm trọng tâm kéo tỉnh khác phát triển theo được.

Từ nghiên cứu kinh nghiệm ở một số nước về liên kết vùng và thực tiễn hoạt động của Ban điều phối trong 5 năm qua, TS. Trần Du Lịch đề nghị 2 phương án về mô hình tổ chức Ban điều phối. Phương án 1 sẽ tổ chức Ban điều phối như một hội có tính chất đặc thù, do tổ chức đảng của 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung thành lập, dưới sự lãnh đạo chung của Đảng bộ 9 tỉnh, thành phố trong vùng. Ưu điểm là Ban điều phối do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận, có quy định rõ ràng về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, qua đó tăng cường hiệu lực của các quyết định và hoạt động của Ban điều phối đối với các địa phương trong vùng. Ban điều phối sẽ có tư cách pháp nhân trong mọi giao dịch, thực hiện các chức năng tư vấn, phản biện các vấn đề liên quan đến phát triển vùng. Phương án 2 sẽ tổ chức như hiện nay nhưng ban hành một bản thỏa thuận của các thành viên mang tính chất một bản quy chế hoạt động. Ưu điểm của phương án này là thủ tục đơn giản, mang tính tự nguyện. Tuy nhiên, nhược điểm là không có khuôn khổ pháp lý hoạt động, không được Chính phủ công nhận.

 

Ông Lê Đức Vinh cho rằng, vai trò của vùng rất quan trọng trong phát triển KT-XH của các địa phương. Vì vậy, đề nghị nâng cấp vai trò của Ban điều phối vùng lên tầm mới. Từ chủ trương, chính sách đó, trên quy chế 9 thành viên thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật, trình Chính phủ công nhận. Ban điều phối có trách nhiệm xác định nhiệm vụ trọng tâm của từng tỉnh trong từng giai đoạn; từ đó có tiếng nói đề xuất lên Trung ương, đưa ra nhiệm vụ thực hiện và cùng nhau phát triển.

 

“Nếu đã liên kết thì phải có sự đồng thuận cao để phát triển về lâu dài. Ví dụ như tỉnh Khánh Hòa phối hợp với tỉnh Lâm Đồng làm con đường Nha Trang - Đà Lạt để rút ngắn thời gian, đảm bảo an toàn cho du khách. Bây giờ, lượng khách 2 tỉnh cùng tăng, có thể Khánh Hòa tăng nhiều hơn. Vì vậy, tôi mong muốn khi liên kết, tuy lợi ích không đồng đều nhưng cần có sự chia sẻ để cùng nhau phát triển”, ông Lê Đức Vinh nói.


Kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Quang yêu cầu nhóm tư vấn sớm hoàn thiện điều lệ, quy chế hoạt động trên cơ sở kinh nghiệm 5 năm hoạt động để trình Ban Bí thư và Bộ Chính trị phê duyệt; bỏ bớt một số điều khoản không cần thiết của Ban chỉ đạo và tăng thẩm quyền của nhóm tư vấn; thống nhất không đưa các bộ, ngành Trung ương vào Ban điều phối nhằm đảm bảo tính độc lập, khách quan…


VĂN KỲ


 


 

Thời gian tới, dự kiến sẽ có 6 nhóm chính sách phát triển vùng. Nhóm 1: Cơ chế chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung nghiên cứu vận dụng các quy định liên quan đến hình thức công - tư đối tác (TPP) nhằm cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là xây dựng kết nối đường cao tốc xuyên vùng. Nhóm 2: Chính sách và cơ chế khai thác có tiềm năng và hiệu quả tiềm năng du lịch vùng. Nhóm 3: Chính sách ưu đãi đầu tư đủ mạnh nhằm tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong vùng. Nhóm 4: Chính sách đồng bộ nhằm giải quyết sự tồn tại lâu đời của các làng chài dọc ven biển miền Trung. Nhóm 5: Mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương. Nhóm 6: Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch KT-XH của vùng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045.