Chiều 15-7, ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các sở, ban, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh 6 tháng đầu năm
Chiều 15-7, ông Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các sở, ban, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh 6 tháng đầu năm, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển năm 2017 và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020.
Đề nghị hỗ trợ vốn
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, hiện nay, tỉnh đã hoàn chỉnh dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư năm 2017. Theo đó, sẽ ưu tiên bố trí vốn trả nợ vốn vay đến hạn, vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ; sẽ bố trí vốn cho dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng đến ngày 31-12-2015, dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, Sở KH-ĐT đã sắp xếp danh mục dự án trọng điểm, danh mục dự án khởi công mới của ngành, lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn trong phạm vi quản lý của từng cấp ngân sách. Trong đó, ưu tiên dự án có khả năng phát triển thêm nguồn thu tiền sử dụng đất, các khu tái định cư và tái định canh, nước sạch.
Quang cảnh buổi làm việc |
Hiện nay, tỉnh đã phân bổ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách địa phương đối ứng cho các dự án đã được Bộ KH-ĐT thẩm định nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2016 - 2020. Riêng các dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đang trình Bộ KH-ĐT thẩm định nguồn vốn. Thời gian tới, tỉnh sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, đáp ứng đủ vốn theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ; đồng thời, triển khai và hoàn thành một số công trình trọng điểm, cấp bách của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Đường băng số 2 Sân bay Cam Ranh đang thiếu vốn, cần được hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ |
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, do nguồn lực của tỉnh hạn chế nên đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư một số dự án quan trọng để hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, Dự án Đường cất hạ cánh số 2 (Sân bay quốc tế Cam Ranh) có tổng đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Do nhu cầu bức thiết phục vụ vận chuyển khách nên tỉnh đã chủ động triển khai và dự kiến lấy nguồn thu từ bán đất Sân bay Nha Trang (cũ) để bù vào. Tuy nhiên, nguồn này đang gặp khó bởi phải dùng để làm đường giao thông, nhằm giải quyết vấn đề quá tải ở đường Trần Phú. Vì vậy, đề nghị Bộ KH-ĐT bố trí số vốn còn lại là 1.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị Bộ KH-ĐT quan tâm, xem xét bố trí ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án: Trục đường bắc - nam Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng; Đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng khoảng 600 tỷ đồng; Bệnh viện Ung bướu khoảng 336 tỷ đồng; Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc, sông Quán Trường khoảng 92 tỷ đồng; Đập ngăn mặn trên sông Cái khoảng 700 tỷ đồng; Đường ven biển Vạn Ninh - Ninh Hòa hơn 1.000 tỷ đồng... Ngoài ra, đề nghị Bộ KH-ĐT quan tâm đến việc thành lập Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong; bổ sung Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm các khu kinh tế được ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương.
Phải thay đổi mạnh mẽ
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đồng ý bố trí vốn một số dự án như: Đập ngăn mặn trên sông Cái, Trục đường bắc - nam Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh. Các dự án khác, bộ sẽ thảo luận thêm với các bộ và xin phép Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho Khánh Hòa. Bộ trưởng cho rằng, trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã phát triển khá tốt, chủ động, sáng tạo trong cách làm, đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, Khánh Hòa mới chỉ phát triển vùng lõi Nha Trang, còn Vân Phong và Cam Ranh chưa có nhiều thay đổi. Vì vậy, tỉnh cần phải thay đổi, có cách làm mới, tư duy mới, tạo ra bước chuyển mình mới để phát triển mạnh mẽ cả du lịch và công nghiệp.
Bộ trưởng đề nghị cần phải mở rộng TP. Nha Trang ra các khu vực lân cận bằng hạ tầng giao thông, kết nối với khu vực Bắc Cam Ranh. Tuy nhiên, tỉnh phải phát triển thêm cơ sở hạ tầng mới có thể đáp ứng tốc độ tăng trưởng du lịch ở mức cao như hiện nay. Đặc biệt, cần phải xây dựng sản phẩm đặc thù để thu hút du khách, nhất là du lịch biển, đảo bởi tiềm năng này của Khánh Hòa không tỉnh nào có được. Ngoài ra, tại Cam Ranh, hiện nay chỉ có Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đang khởi động, trong khi đó khu vực Nam Cam Ranh vẫn rất chậm phát triển. Bộ trưởng cho biết, hiện đang tìm một nhà đầu tư chiến lược cho Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, nhằm tạo ra sự cạnh tranh mang tầm quốc tế, tạo sức thu hút dòng vốn về đặc khu.
VĂN KỲ
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng: Trong vấn đề đầu tư, tỉnh cần lưu ý đến năng lực của chủ đầu tư; nếu chúng ta dễ dãi thì sẽ phải trả giá bởi cấp giấy phép thì dễ, thu hồi giấy phép rất phức tạp, nếu nhà đầu tư giam đất thì sẽ mất nhiều cơ hội phát triển. Ngoài ra, phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề công nghệ và môi trường để tránh hệ lụy sau này.
_________________________________________
Đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Tỉnh rất mong Trung ương quan tâm, lưu ý đến tư duy phát triển vùng, tránh đầu tư dàn trải. Nếu Trung ương xác định Khánh Hòa là vùng du lịch thì cần có những đầu tư đặc biệt, để địa phương phát triển mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh lân cận như: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên.
_________________________________________
Theo báo cáo của UBND tỉnh, về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư 6 tháng đầu năm, nguồn vốn của tỉnh đã tập trung trả nợ vốn vay đến hạn, dự án hoàn thành trước ngày 31-12-2015 nhưng còn thiếu vốn, dự án chuyển tiếp hoàn thành theo tiến độ; tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 6 năm 2016 đạt 52,4% tổng vốn. Đối với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, tỉnh phân bổ cho các dự án đã được Bộ KH-ĐT thẩm định; tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 6-2016 đạt 119,039 tỷ đồng/425,3 tỷ đồng (đạt 28% tổng vốn).