06:06, 02/06/2016

Chính phủ thảo luận tình hình kinh tế-xã hội

Hôm nay (2/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục Phiên họp thường kỳ tháng 5/2016, tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua, cũng như các giải pháp để bảo đảm các mục tiêu năm 2016 mà Quốc hội thông qua.

Hôm nay (2/6), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tiếp tục Phiên họp thường kỳ tháng 5/2016, tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua, cũng như các giải pháp để bảo đảm các mục tiêu năm 2016 mà Quốc hội thông qua.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Đánh giá kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là đáng trân trọng, Thủ tướng nhìn nhận, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn, có khả năng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, tăng trưởng của cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều thấp hơn so với cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn có nhiều vấn đề bức xúc.


Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết liệt thực hiện nhiệm vụ năm 2016, không thay đổi mục tiêu và đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các hạn chế, khó khăn để đề ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng.


Hai mảng màu kinh tế-xã hội


Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.


Lãi suất huy động VND tương đối ổn định; lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm.


Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%); tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%).


Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,8%.


Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước; duy trì được xuất siêu (5 tháng xuất siêu 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu).


Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực.


Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trong 5 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn.


Sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu NSNN đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao. Tai nạn giao thông, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tính riêng trong tháng 5/2016 vẫn còn cao (số người chết tăng 2,54% so với tháng 5/2015).


Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm giải pháp như kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (về kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi NSNN); khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.


Trong chương trình làm việc hôm nay, Chính phủ sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày kế hoạch phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới để chủ động hơn trong giám sát, phối hợp vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng chỉ đạo không tăng giá điện, phí BOT

Trước đó, trong phiên họp ngày 1/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT.


Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá năm 2015, các tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016 và nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính, cho rằng công tác điều hành giá thời gian qua có chuyển biến tích cực, góp phần ổn định đời sống nhân dân.


Về phương hướng điều hành giá thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, tôn trọng nguyên tắc tuân theo cơ chế thị trường, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, quản lý tốt lộ trình điều chỉnh giá, kiểm soát chặt chẽ chi phí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát giá.


Thủ tướng cũng lưu ý, việc dự báo sát tình hình, đánh giá đúng tác động của điều chỉnh giá, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để tránh biến động giá do yếu tố tâm lý.


Yêu cầu đặt ra là phải có các kịch bản điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua, Thủ tướng nêu rõ.


Về giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá.


Thủ tướng yêu cầu, không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Về giá dịch vụ y tế, có lộ trình, bước đi phù hợp, không điều chỉnh đồng loạt cả 63 tỉnh, thành phố; bảo đảm giá dịch vụ y tế phải tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương trình phương án đấu thầu tập trung đối với thuốc dùng cho bảo hiểm y tế. Mục tiêu là để giảm giá thuốc cho người bệnh.


Về một số mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là bình ổn giá cả, không để tăng giá đột biến do thiếu hàng. Thủ tướng cũng quyết định giữ nguyên biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến quý IV năm nay, để bình ổn giá mặt hàng này.


Theo chinhphu.vn