Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 53 xã, thị trấn có ĐBDTTS, với hơn 67.000 người, chiếm 5,6% dân số toàn tỉnh với 32 thành phần dân tộc, trong đó đông nhất là các dân tộc: Raglai, Êđê, T'rin, Tày, Nùng, Mường, Hoa...
. Ông Lê Quang Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.
- Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật về công tác dân tộc và kết quả thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) khu vực miền núi ở Khánh Hòa trong thời gian qua?
- Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 53 xã, thị trấn có ĐBDTTS, với hơn 67.000 người, chiếm 5,6% dân số toàn tỉnh với 32 thành phần dân tộc, trong đó đông nhất là các dân tộc: Raglai, Êđê, T’rin, Tày, Nùng, Mường, Hoa... Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa tỉnh nhà. Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể bám sát các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và của tỉnh để tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách quan trọng.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, tỉnh đã huy động hơn 323 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển sản xuất… cho ĐBDTTS. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào các dân tộc có sự tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS giảm còn 19,5%; thu nhập bình quân đạt khoảng 8,2 triệu đồng/người/năm. Nhiều công trình thiết yếu phục dân sinh cơ bản được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt, lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Đến nay, 100% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; công tác chăm sóc sức khỏe người dân được tăng cường và đa dạng hóa đã góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, thông qua chương trình, đến nay có hơn 98% số hộ ĐBDTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và 90,6% dân số miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 99%; tỷ lệ lao động người DTTS được đào tạo nghề đạt 20%. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc được phát huy. Từ đó, giữ vững và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
- Nhiều chính sách dân tộc đã và đang được các cấp, ngành triển khai toàn diện. Ông có thể cho biết kết quả mà những chính sách này mang lại?
- Thông qua chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, đến nay, đã xây dựng mới 4.700 căn nhà; hỗ trợ đất ở cho 900 hộ với tổng diện tích 36ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 2.400 hộ với tổng diện tích 1.700ha; hỗ trợ 4.700 hộ đào giếng và xây dựng 17 công trình cấp nước sinh hoạt cho hơn 4.000 hộ, với tổng kinh phí thực hiện hơn 104 tỷ đồng.
Đào tạo nghề may cho người dân tộc thiểu số tại huyện Khánh Sơn |
Bên cạnh đó, đã cấp phát hơn 1.700 tấn giống cây lương thực, 600 tấn phân bón, 5.500 lít thuốc trừ cỏ, 2.358 tấn muối I-ốt, 1,2 triệu quyển vở học sinh; trợ cước vận chuyển hơn 2.500 tấn nông sản với tổng kinh phí hơn 30 tỷ đồng. Từ chính sách này, ĐBDTTS đã tiếp cận được cách làm ăn mới, nhiều hộ từ chỗ thiếu ăn nay đã tự chủ được lương thực. Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã cho hơn 2.800 hộ DTTS thuộc vùng khó khăn vay hơn 18 tỷ đồng. Chính sách này đã giúp cho các hộ DTTS nghèo có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo… Mặt khác, từ nguồn vốn huy động xã hội, sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã xây mới và tô trát 445 căn nhà, sửa chữa 621 nhà cho ĐBDTTS với kinh phí hơn 17 tỷ đồng.
- Hiện nay, vùng ĐBDTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, công tác dân tộc trong giai đoạn tới sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho ĐBDTTS và miền núi, bảo đảm an ninh chính trị, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung đổi mới toàn diện, nâng cao hiệu quả công tác dân tộc; áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cùng với đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình giao thông gắn kết với vùng sản xuất của ĐBDTTS; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, hủ tục lạc hậu trong ĐBDTTS…
- Xin cảm ơn ông!
VĂN GIANG (Thực hiện)