09:02, 26/02/2016

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo công tác tham tán thương mại

Như tin đã đưa, sáng nay (26/2), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.

Sáng 26/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.


Khai mạc Hội nghị Tham tán thương mại 2016

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Phát biểu chỉ đạo hội nghị, nêu bật những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm qua (2011-2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Công Thương, trong đó có sự hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan Thương vụ, các Tham tán thương mại ở các quốc gia đối tác.


“Các cơ quan Thương vụ của chúng ta ở hơn 50 nước và các Tham tán thương mại đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Tôi mong muốn qua hội nghị này các đồng chí sẽ phát huy tốt hơn những kết quả đạt được; làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.


Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, chúng ta đã bước vào năm 2016, năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016-2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho kế hoạch 5 năm đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ, trong đó có việc giữ cho được sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn kế hoạch 5 năm 2015-2015; cùng với tăng trưởng là quyết liệt thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tiếp tục nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục thực hiện tốt 3 đột phát chiến lược; bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giảm chêch lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, tầng lớp nhân dân…


Từ định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ngành Công Thương cần phấn đấu làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, trọng trách của mình. Trước hết, trong điều kiện, bối cảnh đất nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Xây dựng thể chế, cơ chế theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế. Việc hoàn thiện, cải thiện thể chế là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định, nếu không sẽ không phát huy, tận dụng được tối đa các cơ hội, thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc


“Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào thể chế, quản trị quốc gia. Chúng ta đã hội nhập sâu rộng, đã mở được thị trường, chúng ta phải xây dựng văn bản, luật lệ, thông tư, nghị định… để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao được sức cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.


Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Chủ động, kịp thời phát hiện các rào cản thương mại đối với hàng hóa của ta để có các biện pháp ứng phó, đấu tranh; chủ động thông tin, tư vấn để phòng tránh các tranh chấp thương mại, đầu tư đi liền với bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện các cam kết quốc tế để các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo khai thác được các cơ hội thuận lợi và hạn chế, giảm thiểu những tác động bất lợi trong hội nhập.


Đối với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ quan thương mại phát triển; tập trung hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự mình vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của chính mình.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan Thương vụ; mong muốn các Thương vụ, các Tham tán thương mại luôn phát huy được tinh thần chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại; chủ động tham mưu đối với ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Đồng thời, các Thương vụ, các Tham tán thương mại phải luôn phát huy được vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiến thị trường và ký kết hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin về đối tác.


“Đội ngũ làm thám tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế, chính trị; phải phát huy được tinh thần trách nhiệm cao nhất trước đất nước, trước nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

 

Hiện nay nước ta có 56 Thương vụ (kể cả 3 Thương vụ Iraq, Liban và Panama chưa triển khai do an ninh) và 7 chi nhánh. Trong năm 2014, 2015, các Thương vụ đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động chuyên môn; nhạy bén nắm bắt thị trường sở tại và đạt được nhiều kết quả tích cực nhất là trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chính sách thị trường, hỗ trợ đàm phán, xúc tiến thương mại (trong 2 năm 2014-2015, các Thương vụ đã triển khai hơn 600 hoạt động xúc tiến thương mại), hỗ trợ doanh nghiệp…


Các nhiệm vụ trọng tâm đối với hoạt động thương vụ năm 2016 được đề ra là: Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn; xây dựng quan hệ phối hợp công tác tốt trong cơ quan đại diện, xây dựng quan hệ gắn bó với cơ quan quản lý sở tại; tăng cường nghiên cứu chính sách, thay đổi của nước sở tại để có kiến nghị, đề xuất phù hợp về nước để kịp thời xử lý; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ xuất khẩu, làm cầu nối cho doanh nghiệp hai bên, làm tốt công tác nghiên cứu thị trường; tăng cường xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp tại địa bàn…


Theo chinhphu.vn