Chiều 22-2, tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác làm việc với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về công tác chống hạn.
. Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 36 tỷ đồng phục vụ công tác chống hạn năm 2016
Chiều 22-2, tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đoàn công tác làm việc với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Bình Phước về công tác chống hạn. Dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương. Về phía tỉnh Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo |
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2015, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có gần 40.000ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000ha cây trồng bị hạn hán, hàng chục nghìn người thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, mực nước ở các hồ trong khu vực rất thấp, khó đáp ứng đủ cho cây trồng vụ đông xuân 2015 - 2016 ở một số địa phương, trong đó có Khánh Hòa. Dự báo tình trạng hạn hán trong khu vực sẽ kéo dài đến hết vụ hè thu 2016.
Ông Lê Đức Vinh cho biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, lượng mưa năm 2015 rất thấp nên tổng dung tích của 28 hồ chứa chỉ đạt 141 triệu m3, bằng 57% dung tích thiết kế. Dự kiến sau vụ đông xuân 2015 - 2016, tổng dung tích nước ở các hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh chỉ còn 70 triệu m3. Tình trạng thiếu nước, khô hạn sẽ tiếp diễn nghiêm trọng trong những tháng tới. Dự kiến, sẽ có khoảng 10.000ha phải dừng sản xuất do không có nước, năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi sẽ giảm 20 - 30%, khoảng 7.000 hộ sẽ gặp khó khăn về nước sinh hoạt... Để chống hạn hiệu quả, bên cạnh chủ động triển khai nhiều giải pháp, đồng chí Lê Đức Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí chống hạn cho tỉnh 2 năm 2015 và 2016 là 70 tỷ đồng, trong đó bổ sung kinh phí chống hạn năm 2015 là 34 tỷ đồng, hỗ trợ kinh phí chống hạn năm 2016 là 36 tỷ đồng; sớm triển khai xây dựng hồ Đồng Điền và hồ Sông Chò (do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư); xem xét đầu tư xây dựng mới các hồ: Sơn Trung, Sông Cạn, Suối Sâu; đầu tư đập ngăn mặn trên sông Cái…
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn như: tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để có kế hoạch sử dụng nước hợp lý; trong kế hoạch sử dụng nước cần xác định thứ tự ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi là ưu tiên hàng đầu; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, nhất là hoàn thiện hệ thống kênh mương ở vùng có nguy cơ hạn hán; tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết, chủ động phòng tránh, đồng thời có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương nghiên cứu, triển khai các giải pháp đã được Bộ NN-PTNT đề ra. Đồng thời, cần đề ra những giải pháp cụ thể, có lộ trình phù hợp để chủ động ứng phó phù hợp. Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường cân đối, quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình tích trữ nước để có biện pháp điều tiết nước phù hợp; xác định cơ cấu giống cây trồng phù hợp với tình hình thiếu nước hiện nay để nông dân chuyển đổi… Mục tiêu đặt ra là giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo cuộc sống thiết yếu của nhân dân, đảm bảo nhân dân không bị đói, bị bệnh tật, thiếu nước do hạn hán, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
HẢI LĂNG