Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc ký "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương".
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc ký "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương".
Cụ thể, Chính phủ đồng ý ký "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (Hiệp định TPP).
Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Hiệp định trên với đại diện được ủy quyền của Chính phủ các nước tham gia Hiệp định TPP.
Ngày 5/10/2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán.
Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. Các đặc điểm đó bao gồm:
Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên.
Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước.
Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu.
Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới Chính phủ các nước thành viên. Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định.
Nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo chinhphu.vn