12:02, 27/02/2016

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 22-26/2/2016

Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng; tăng mức cho vay hộ gia đình và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn... là thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/2/2016.

Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng; tăng mức cho vay hộ gia đình và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn... là thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/2/2016.


Chính sách với công dân khi đăng ký nghĩa vụ quân sự


Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự; khám, kiểm tra sức khỏe theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện được hưởng nguyên lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe đi, về theo chế độ quy định hiện hành của pháp luật.


Nội dung trên được quy định tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự.


Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản


Ngày 19/02/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.


Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành) 35 đồng/m3.


Nghị định cũng quy định cụ thể biểu khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác quặng khoáng sản kim loại (từ 10.000 đồng - 270.000 đồng/tấn); khoáng sản không kim loại (từ 1.000 - 90.000/m3 hoặc tấn).


Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng.


Triển khai thi hành Bộ luật Hình sự


Để triển khai thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, ngày 19/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật này.


Một trong những nội dung của Kế hoạch là rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109/2015/QH13 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án. Công tác này được thực hiện ngay sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố (ngày 09/12/2015) và hoàn thành trước ngày 29/02/2016.


Miễn thuế thu nhập cá nhân với một số đối tượng


Ngày 22/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam và Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.


Tăng cường bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2016 - 2020" với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.


Hỗ trợ 6 tỉnh khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn


Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh: Quảng Trị (15,7 tỷ đồng), Đắk Lắk (22,4 tỷ đồng), Đắk Nông (17,6 tỷ đồng), Long An (9,3 tỷ đồng), An Giang (10,7 tỷ đồng), Đồng Tháp (9,4 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015.


Tăng mức cho vay hộ gia đình vùng khó khăn


Theo Quyết định 306/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, từ 15/3/2016, mức vốn cho vay đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tối đa là 50 triệu đồng thay vì được vay tối đa 30 triệu đồng như hiện nay.


Trong một số trường hợp cụ thể, mức vốn vay của một hộ có thể trên 50 triệu đồng, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu đầu tư và khả năng trả nợ của hộ sản xuất, kinh doanh, để quy định mức cho vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.


Thương nhân vùng khó khăn được vay NHCSXH đến 50 triệu đồng


Theo quy định mới tại Quyết định số 307/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/3/2016, thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được vay tối đa 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hoạt động thương mại tại vùng khó khăn (hiện nay theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 8/7/2009 thương nhân chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng).


Quyết định mới ban hành cũng nêu rõ, thương nhân vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Còn thương nhân vay vốn trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội.


Theo chinhphu.vn