04:02, 29/02/2016

Cấp bách ứng phó xâm nhập mặn, hạn hán

Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên đang diễn ra khá nghiêm trọng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có báo cáo tổng quan về vấn đề này và nêu nhiều giải pháp cấp bách ứng phó trong thời gian tới.

Tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên đang diễn ra khá nghiêm trọng. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có báo cáo tổng quan về vấn đề này và nêu nhiều giải pháp cấp bách ứng phó trong thời gian tới.


Hạn hán, xâm nhập mặn làm lúa chết hàng loạt


Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.


Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Tính riêng năm 2015, ở khu vực Nam Trung Bộ đã có gần 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước, 122.000 ha cây trồng bị hạn hán, thiếu nước và hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.


Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016.


Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống hạn hán.


Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn và hạn hán, tại phiên họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu các giải pháp cấp bách cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.


Theo đó, cần tiếp tục tổ chức dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về tình hình khí tượng, thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, lịch xả nước từ các hồ chứa thủy điện, các chuyên đề hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.


Rà soát, cập nhật cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra.


Điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội.


Xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn, cân đối để bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cho cả năm 2016.


Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến.


Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống cháy rừng (PCCR), tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCR bảo đảm xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, bộ đội biên phòng trong công tác bảo vệ rừng và PCCR trên địa bàn…


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương coi công tác phòng chống hạn hán hiện nay là cấp bách, cần huy động cả hệ thống chính trị tăng cường nguồn lực thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.


Theo chinhphu.vn