Sự thất bại trong chiến dịch chống phá Đại hội lần thứ XII của Đảng, càng làm cho các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị cay cú và chúng đã lên kế hoạch nhằm chống phá cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với những thủ đoạn mới. ...
Sự thất bại trong chiến dịch chống phá Đại hội lần thứ XII của Đảng, càng làm cho các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị cay cú và chúng đã lên kế hoạch nhằm chống phá cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 với những thủ đoạn mới. Một trong những luận điệu xuyên tạc, kích động, phá hoại bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này là: “Ở Việt Nam làm gì có dân chủ trong bầu cử, ứng cử - đó là cơ chế “Đảng cử - dân bầu”, là “dân chủ trình diễn”…; phải sửa đổi hệ thống bầu cử, tạo điều kiện cho tất cả mọi người được ứng cử tự do… còn nếu với cách tổ chức bầu cử và cơ chế bầu cử theo quy định này thì đối với nhiều đại biểu có thể tự mình công bố mình trúng cử và có đủ tư cách đại biểu mà không cần phải tổ chức bầu cử tốn tiền thuế của dân…”.
Đây là một kiểu lập luận quy chụp, cố tình bóp méo sự thật về lịch sử và tiến trình bầu cử ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bầu cử là việc công dân của một quốc gia lựa chọn những người đại diện để trao quyền cho họ thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Mỗi quốc gia có cách tổ chức và quy định bầu cử khác nhau, không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác được bởi vì hệ thống chính trị nói chung, hệ thống bầu cử nói riêng trên thế giới hiện rất đa dạng, cho nên tùy thuộc vào chế độ chính trị, lịch sử, văn hóa, kinh tế của quốc gia - dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại như thế nào. Về kỹ thuật cũng có nhiều mô hình khác nhau: mô hình bầu cử ở các quốc gia theo chế độ đa đảng (lấy việc bầu cho đại diện của mỗi đảng làm tiêu chí) khác với các quốc gia bầu cử theo tỷ lệ cử tri và theo địa bàn hành chính; mô hình bầu cử trực tiếp khác với mô hình bầu cử gián tiếp - thông qua đại cử tri… Song về tổng quan luật bầu cử một số nước trên thế giới hiện nay là theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”.
Ở Việt Nam, Hiến pháp và Luật Bầu cử Việt Nam quy định: cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam thể hiện một cách nhất quán nhận thức về các nguyên tắc bầu cử để đảm bảo ý chí của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội. Tuyên ngôn nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã nêu rõ: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở của quyền lực Nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”.
Vấn đề họ đưa ra cho rằng ở Việt Nam “Đảng cử, dân bầu”, bầu cử ở Việt Nam chỉ là “dân chủ hình thức, dân chủ trình diễn”, “hầu hết đại biểu dân cử đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam thì sao là có dân chủ được?”. Đây là một kiểu lập luận mù quáng. Xin hỏi các nhà “dân chủ Việt” trên thế giới này có quốc gia nào không có vận động bầu cử của các đảng phái chính trị, không có “đảng cử, dân bầu”, không có “trình diễn dân chủ”. Trong các nước tư bản, các đảng phái chính trị đóng vai trò rất lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên. Việc giới thiệu này đã trở thành một trong những chức năng chính trị lớn nhất của các đảng phái chính trị. Chính vì vậy, bầu cử là cuộc đấu tranh hết sức gay gắt giữa các đảng phái. Ở Cộng hòa liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu Nghị viện là độc quyền của các đảng phái chính trị. Những đảng có từ 5 ghế trở lên trong Nghị viện mới có quyền giới thiệu ứng cử viên nghị sĩ khóa tiếp theo. Những đảng mới được thành lập, muốn được giới thiệu phải đệ trình cơ quan phụ trách bầu cử cấp liên bang những chứng từ có liên quan đến hoạt động của đảng mình như: điều lệ, cương lĩnh, số lượng đảng viên và các cơ quan cấu thành. Ở Mỹ, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ thực hiện quyền đề cử của mình bằng cách tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng của mình và đưa các ứng cử viên nhiều triển vọng nhất ra tranh cử Tổng thống. Ngoài việc giới thiệu ứng cử viên do các đảng phái tiến hành, các ứng cử viên tự do cũng có quyền tự ứng cử, các ứng cử viên tự do muốn được ghi tên vào danh sách ứng cử viên chính thức đòi hỏi phải được một số lượng cử tri nhất định ủng hộ và đề cử, đồng thời phải nộp một khoản tiền bảo đảm. Nếu ứng cử viên không đạt được một tỷ lệ phiếu bầu thích hợp thì khoản tiền này phải sung công quỹ.
Trở lại vấn đề xuyên tạc cuộc bầu cử ở Việt Nam hiện nay, họ cố tình phớt lờ những quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều 18 như sau: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”, và tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (tại Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (tại Điều 54), Hiến pháp năm 2013 (tại Điều 27). Hiến pháp hiện hành của nước ta quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND”. Luật Bầu cử số 85/2015/QH13 ở Việt Nam. Điều 2: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này. Tại Khoản 5 Điều 4 Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015 quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp”. Như vậy, Việt Nam không hề có hạn chế quyền ứng cử tự do của công dân nếu họ xét thấy mình đủ đức, đủ tài ra gánh vác công việc chung của đất nước và được nhân dân tín nhiệm.
Ấy vậy mà có người lại cố tình hiểu sai hoặc lờ tịt vấn đề chính và có những hành động nhắm mắt nói liều, la lối, kêu gọi Việt Nam nhất thiết phải thay đổi mô hình dân chủ theo phương Tây. Quả thật đây là một cách lập luận điển hình cho tư duy dân chủ, nhân quyền nhập ngoại. Họ không thể đánh lừa được nhân dân Việt Nam với chiêu bài dân chủ, nhân quyền hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chính vì vậy, mỗi người dân có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, chúng ta phải tỉnh táo phân biệt những thông tin đúng, chính thống để giữ vững niềm tin, hành động đúng đắn, tránh rơi vào luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Hoài Nam