Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, việc thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc, tồn đọng trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, việc thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã góp phần giải quyết một số vấn đề bức xúc, tồn đọng trên địa bàn tỉnh.
Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn Đảng bộ tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương của Người gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.
Ông Lê Thanh Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trao bằng khen cho các tập thể tại Hội nghị Tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị |
Bên cạnh học tập theo chủ đề hàng năm, Đảng bộ tỉnh đã chú trọng đề ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề tồn tại, khó khăn, nhất là những bức xúc của người dân. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, nhất là trong giai đoạn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, triển khai nhiều dự án kéo theo nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết.
Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả 4 chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong quá trình thực hiện các chương trình, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động nhiều nguồn lực trong xã hội, tạo được sự thay đổi tích cực đối với kinh tế - xã hội của tỉnh. 4 năm, tổng vốn đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới 14.706 tỷ đồng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã bố trí 273 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ, đào tạo nghề…
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính. Kết quả đã cắt giảm từ 30 đến 80% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành của Trung ương đối với 562 thủ tục; đã có 473 thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua mạng Internet ở mức độ 3… Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh tăng thứ hạng liên tục trong những năm gần đây, xếp vị trí thứ 22 năm 2014. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 xếp hạng 16, tăng 18 bậc so với năm 2013.
Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của người dân, các vấn đề phát sinh trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh, điển hình như Dự án hầm đường bộ qua đèo Cả và Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A với 15.000 trường hợp bị ảnh hưởng, hàng trăm hộ tái định cư. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, đa số các hộ đã chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi để dự án triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết. Sau khi được giải thích và đền bù thỏa đáng, hầu hết người dân đã chấp thuận để các dự án triển khai đúng tiến độ, riêng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh đã hoàn thành sớm…
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo, các cấp ủy đảng đã thường xuyên quan tâm việc sâu sát cơ sở để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của người dân. Tỉnh ủy đã đề ra phương châm “tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát các hộ dân” nhằm thực hiện tốt việc đi cơ sở để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đơn vị và nhân dân; từ thực tiễn điều chỉnh, bổ sung những chủ trương, chính sách, lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, kịp thời. Các vị lãnh đạo, Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện được phân công phụ trách đến xã, thôn ít nhất mỗi năm 2 lần làm việc trực tiếp với cơ sở để nắm tình hình. Ở cấp tỉnh, ngân sách bố trí 1 - 2 tỷ đồng để các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công phụ trách các xã chủ động giải quyết, hỗ trợ các vấn đề bức xúc ở cơ sở. Qua việc đi cơ sở của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc của người dân để từ đó có biện pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm từ cơ sở, tránh tạo thành điểm nóng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy chỉ đạo tiếp tục triển khai huy động mạnh mẽ các nguồn lực của xã hội, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; bố trí vốn ngân sách tập trung cho các công trình chuyển tiếp, dự án trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là hỗ trợ tiếp cận vốn vay; rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ không có khả năng triển khai…
Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc lâu dài và phải duy trì thường xuyên, liên tục. Đảng bộ tỉnh xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.
N.D