Ngày 6-1-1946 là một ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc nói chung và nhân dân Khánh Hòa nói riêng. Đó là ngày cử tri cả nước có quyền bầu đại diện của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước...
Ngày 6-1-1946 là một ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc nói chung và nhân dân Khánh Hòa nói riêng. Đó là ngày cử tri cả nước có quyền bầu đại diện của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước...
Chỉ 4 tháng sau ngày Độc lập (19-8-1946), nhân dân ta chào đón ngày hội lớn - ngày Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính có cơ hội tự do thảo luận, bàn bạc lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan tối cao - Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam).
Ở Khánh Hòa, mặc dù khói lửa chiến tranh đang lan rộng, quân dân ta phải tập trung chiến đấu quyết liệt với quân Pháp đang trở lại xâm lược nhưng công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử được đặc biệt quan tâm. Ban tổ chức cuộc bầu cử đã bố trí các địa điểm thuận lợi nhất để nhân dân đi bỏ phiếu. Nơi nơi trang hoàng cờ hoa rực rỡ, công khai danh sách các ứng cử viên để nhân dân được biết. Cái buổi ban sơ của nền dân chủ cộng hòa, khi mà di sản của chế độ thực dân hãy còn nặng nề thì các cơ sở vật chất mới của chính quyền nhân dân hãy còn là xa xỉ. Cán bộ các cấp lẫn nhân dân đều thống nhất chọn các đình, đền, chùa... những nơi có ý nghĩa thiêng liêng nhất trong thời điểm đó để tổ chức bỏ phiếu Tổng tuyển cử.
Ngay từ sáng 6-1-1946, nhân dân Khánh Hòa cùng nhân dân cả nước nô nức đi làm nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân. Các cụ già mà có người đã trải qua 3 chế độ khác nhau, từ phong kiến đến thực dân phong kiến rồi dân chủ cộng hòa; họ trong bộ trang phục nghiêm trang áo the khăn đóng, không kìm được xúc động vì được cầm trong tay lá phiếu bầu những người đại diện cho ý chí, quyền lợi và nguyện vọng của mình. Nhiều người khác chỉ mới vừa thoát ra khỏi nạn mù chữ ít ngày, vừa kịp biết “i”, “tờ” nhờ chính sách bình dân học vụ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn kịp bỏ phiếu. Một số ít còn chưa biết chữ vẫn được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục đảm bảo quyền lợi cử tri của mình. Nhiều người do sức khỏe không cho phép được ban bầu cử đến tận nhà để làm thủ tục cử tri. Tóm lại, những người từ 18 tuổi trở lên đều có thẻ cử tri. Bằng hình thức linh hoạt, sáng tạo, thời kỳ ấy, một số lượng lớn cử tri đang bị mù chữ nhưng vẫn làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.
Thời điểm ấy, Khánh Hòa là trận địa tiền tiêu của cả nước. Người dân, chiến sĩ vừa làm nghĩa vụ công dân vừa đấu tranh chống phá âm mưu phá hoại của kẻ thù. Đồng bào, chiến sĩ Khánh Hòa, đặc biệt là Diên Khánh, Vĩnh Xương bất chấp bom đạn vẫn đi bỏ phiếu đầy đủ. Máy bay Pháp quần thảo, điên cuồng ném bom nhưng đồng bào vẫn không nao núng. Mặc dù hàng chục người chết và bị thương, đồng bào vẫn không lung lay ý chí. Lá phiếu trong cuộc Tổng tuyển cử này vì thế là “lá phiếu máu”, nó thấm đượm biết bao tấm gương hy sinh của đồng bào, chiến sĩ quên mình cho nền độc lập của Tổ quốc, vì sự nghiệp kháng chiến cứu nước, vì công cuộc xây dựng chính quyền cách mạng.
Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy, cử tri trong tỉnh đã bầu 3 đồng chí: Nguyễn Văn Chi, Tôn Thất Vỹ và Đào Thiện Thi làm đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khóa I của tỉnh Khánh Hòa. Đó cũng là một khóa đặc biệt, vì tại Quốc hội khóa II các đại biểu miền Nam được lưu nhiệm, phải tới tận năm 1976, khi nước nhà thống nhất, mới tổ chức Tổng tuyển cử lại trên phạm vi cả nước. Một khóa Quốc hội đặc biệt, một khóa kéo dài tới 30 năm. Khóa Quốc hội ấy đã góp phần làm tròn nhiệm vụ quan trọng nhất của dân tộc trong thế kỷ XX - nhiệm vụ đánh đuổi thực dân, đế quốc, thống nhất Tổ quốc.
Quốc Việt