Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 diễn ra trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn. Với bản lĩnh chính trị sắc bén, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết sách kịp thời, táo bạo, chủ động, linh hoạt và kiên quyết lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử thành công.
Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 diễn ra trong điều kiện đất nước vô cùng khó khăn. Với bản lĩnh chính trị sắc bén, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quyết sách kịp thời, táo bạo, chủ động, linh hoạt và kiên quyết lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử thành công.
Quá trình xúc tiến Tổng tuyển cử đầu tiên
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”. Một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ để củng cố chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Ngày 3-9-1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị một trong sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa |
Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu trực tiếp và bỏ phiếu kín... Để cuộc Tổng tuyển cử mang tính khách quan, Chính phủ lâm thời đã quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử.
Tổng tuyển cử dự kiến ngày 23-12-1945 nhưng gặp phải sự chống đối của Việt Quốc, Việt Cách. Quá trình đàm phán đã thỏa thuận hợp tác, cùng ký bản “Biện pháp đoàn kết”, trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí về việc mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt Quốc, Việt Cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử. Chính thời gian này đã có điều kiện cho công tác chuẩn bị, nhất là các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử. Ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tổ chức Tổng tuyển cử vào ngày Chủ nhật 6-1-1946.
Càng gần đến ngày Tổng tuyển cử, không khí càng náo nức, sôi nổi. Tại một số địa phương ở phía nam do lệnh hoãn không đến kịp nên Tổng tuyển cử vẫn tiến hành như đã định trước là ngày 23-12-1945. Ngày 5-1-1946, tại buổi lễ ra mắt ứng cử viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu: “... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Vì thế mà “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ngày 6-1-1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nô nức tham gia bầu cử. Trong những vùng bị địch tạm chiếm đóng, nhân dân tập trung bỏ phiếu, quân Pháp kéo đến khủng bố, nhân dân phải mang thùng phiếu chạy đến một nơi khác và tiếp tục bỏ phiếu. Tổng tuyển cử đầu tiên đã thành công trên phạm vi cả nước, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của bọn phản động ở phía bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía nam.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 được tổ chức thành công bởi sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và diễn ra trong không khí bầu cử tự do, dân chủ. Cuộc Tổng tuyển cử của Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Tại 71 tỉnh, thành trong cả nước với 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam ngày 6-1-1946 là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đưa người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Đồng thời khẳng định với thế giới rằng: Nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập và có quyền để tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình. Cuộc Tổng tuyển cử không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà cho tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Bởi trong lịch sử hiếm có một quốc gia nào vừa giành được độc lập, với biết bao khó khăn lại dũng cảm quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử thật sự dân chủ như ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Quốc hội Việt Nam ra đời vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, là ý chí của nhân dân cả nước.
Những bài học vô giá
Quyết sách kịp thời, đúng đắn, linh hoạt. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được diễn ra trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn bởi “thù trong, giặc ngoài” với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, giặc đói, giặc dốt...
Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh phải đối phó với nhiều thế lực thù địch trên tất cả các mặt đã có những quyết sách kịp thời, táo bạo, chủ động, linh hoạt, mềm dẻo. Thắng lợi của Tổng tuyển cử đã mở ra thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ hợp pháp, hợp hiến và dân chủ.
Xây dựng hệ thống sắc lệnh đầu tiên bảo đảm cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử. Lần đầu tiên, Chính phủ lâm thời đã ban hành hệ thống Sắc lệnh bầu cử đáp ứng yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử. Đồng thời, khẳng định cơ sở pháp lý, điều kiện để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Hệ thống các sắc lệnh đã có những quy định đảm bảo nội dung, yêu cầu, nguyên tắc tự do bầu cử, ứng cử của công dân, các nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Để trao quyền làm chủ đất nước cho nhân dân, Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh quyết định tổ chức Tổng tuyển cử. Đồng thời Chính phủ lâm thời công bố bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên để nhân dân tham gia ý kiến.
Thể hiện sự tự do, dân chủ, bình đẳng. Cuộc Tổng tuyển cử thành công là sự thay thế hình thức “ban quyền cho dân sang trao quyền cho dân”. Bước ngoặt vĩ đại này đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang một trang sử mới với quyền tự do, dân chủ, bình đẳng. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhấn mạnh việc phát huy quyền dân chủ của công dân, pháp luật về bầu cử đã quy định về quyền tự ứng cử của công dân. Đây là quan điểm chủ đạo trong quá trình bầu cử, ngoài việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập thể đề cử, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, pháp luật đã bảo đảm cho công dân quyền được tự ứng cử đại biểu Quốc hội nếu đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.
Sức mạnh của lòng dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là kết tinh của khát vọng dân chủ, là kết quả đoàn kết phấn đấu của toàn thể đồng bào, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, là niềm tin tuyệt đối của nhân dân với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chính nghĩa, bất kỳ ở đâu, bất kỳ làm gì, sức mạnh của lòng dân luôn chiến thắng.
ThS. Hoàng Thị Lệ Hà - TS. Võ Văn Dũng