10:11, 02/11/2015

Chỉ rõ nguyên nhân để thêm bài học trong chỉ đạo điều hành

Phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đã phân tích sâu nguyên nhân thành công, chưa thành công, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp cho thời gian tới.

Phát biểu thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đã phân tích sâu nguyên nhân thành công, chưa thành công, từ đó đưa ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp cho thời gian tới.

 

Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Trong phiên thảo luận sáng 2/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều ghi nhận những chuyển biến rõ nét, bền vững trong thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015.


Theo đó, năm 2015 và 5 năm qua, đời sống của đại đa số người dân được nâng cao một cách đáng kể. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực rất khó khăn, đặc biệt là khi các đầu tàu tăng trưởng của thế giới đều tăng trưởng chậm, thấp hơn dự đoán.


Các ĐBQH cho rằng sự phát triển ổn định của Việt Nam càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp.


“Phân tích như vậy để thấy những kết quả đã đạt được là rất đáng kể, vừa ổn định được vĩ mô, tăng trưởng cao hơn, trong khi quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nói.


Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng cần phải phân tích kỹ hơn những nguyên nhân của kết quả nổi bật nêu trên cũng như nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, để từ đó nêu được những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành.


Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trước hết, thành công có được là do phát huy tốt đoàn kết toàn dân tộc. Nguyên nhân thứ hai có thể kể đến là tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Quốc hội, các ĐBQH trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh.


Về những nguyên nhân cản trở phát triển, các ĐBQH cho rằng nguyên nhân đầu tiên chính là từ con người. Cụ thể, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng chồng chéo, thiếu cụ thể, cùng với đó thủ tục còn phiền hà, kỷ cương, kỷ luật còn lỏng lẻo.


“Hạn chế này đã tồn tại từ lâu, song chưa khắc phục được. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy cần phải được coi như nhiệm vụ hàng đầu”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.


“Nếu không có các giải pháp mang tính đột phá, thì mục tiêu tinh giản bộ máy chắc chắn không thể thực hiện được vì với các giải pháp hiện nay sẽ không biết tinh giản ai”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) phân tích.


Cũng về yếu tố con người, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển những cơ hội này thành các hợp đồng hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích cụ thể thì cần có “con người hội nhập”.


“Muốn thành công trong TPP, giải pháp đột phá nhất là đầu tư cho con người”, đại biểu Tâm nói. Từ đó, đại biểu tán thành với giải pháp đã được Chính phủ nêu trong kế hoạch 2016 là loại bỏ những cán bộ, công chức nhũng nhiễu ra khỏi bộ máy.


Trước đó, theo Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Quốc hội trong phiên khai mạc, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%).


Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người 2.228 USD.


Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối của kế hoạch 5 năm, trong đó năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất tăng 3,85%/năm.


Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011...


Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,4% xuống 45%.


Trong 14 chỉ tiêu nhiệm vụ của năm 2015, ước tính có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.


Đại biểu Trịnh Ngọc Phương  (Tây Ninh) đóng góp ý kiến về việc nâng chất lượng chính sách công, thông qua việc nghiêm túc thực hiện các báo cáo đánh giá tác động của chính sách cũng như phát huy sự tham gia của người dân.


Theo đại biểu Phương, việc tổ chức khảo sát, lấy ý kiến người dân cần được thực hiện một cách thực chất, khoa học. Với các cơ quan thẩm tra, trong đó có Quốc hội, việc đánh giá tác động, hiệu quả của chính sách cần đa chiều chứ không chỉ dựa vào đánh giá chủ quan của cơ quan soạn thảo.


Một số  ĐBQH cho biết cử tri đánh giá rất cao việc Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, một số bộ, ngành, cơ quan của QH đã tăng cường công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Từ đó, góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm một số vụ khiếu kiện kéo dài, tạo niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, ĐBQH cũng đề nghị cần thực hiện tốt việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến nhân dân nhiều, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.


Ghi nhận những kết quả nổi bật xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, đại biểu I Mửi (Kon Tum) đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành chính sách tổng thể, đồng bộ, rõ cơ chế, phù hợp với đặc điểm từng vùng. Trong đó cần ưu tiên 3 khu vực đặc biệt khó khăn nhưng có đặc thù rất khác nhau là Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, khi đã có chính sách tốt, thì cần ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện.


Đánh giá cao việc Chính phủ đã nêu rõ 9 nguyên nhân và 5 bài học trong chỉ đạo điều hành, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng đề xuất thêm bài học về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Theo đại biểu, thực tế đã cho thấy, nếu như lãnh đạo thực sự sâu sát, được giao đầy đủ quyền hạn cũng như phát huy tốt trách nhiệm cá nhân với nhiệm vụ được giao, thì hiệu quả tổ chức thực hiện ở ngành, lĩnh vực đó sẽ cao hơn hẳn. Yếu tố này cũng đúng với lãnh đạo các địa phương.


Đại biểu Võ Tấn Nhân (Quảng Ngãi) và một số đại biểu khác lại tập trung về vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đại biểu, thời gian qua, nhiều địa phương đã từ chối các dự án không thân thiện với môi trường. Cùng với đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, rà soát loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện ảnh hưởng lớn đến môi trường, ban hành các quy trình liên hồ chứa, đảm bảo vận hành tốt, góp phần quan trọng kiểm soát lũ, điều tiết nước cho sản xuất nông nghiệp.


Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường một số đô thị, làng nghề còn nặng nề, phức tạp.


Từ đó, ĐBQH đề nghị cần khẩn trương nghiên cứu để thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường theo quy định Luật Môi trường vừa được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, phải tăng cường triển khai đánh giá môi trường chiến lược, bởi đây là luận cứ quan trọng để triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đưa các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.


Theo chương trình, chiều nay và cả ngày mai, các ĐBQH sẽ tiếp tục phát biểu tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và những năm trước đó cũng như kế hoạch phát triển năm 2016 và giai đoạn 2016-2020.


Theo chinhphu.vn