Tại phiên thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) sáng 26/10, quy định về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) sáng 26/10, quy định về quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu trực tiếp điều hành phần thảo luận.
Theo ý kiến của đa số đại biểu, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của toà án nhân dân. Đây cũng là kinh nghiệm và thực tiễn ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Theo ý kiến đại biểu, thực tế cho thấy các mối quan hệ kinh tế-xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, do đó sẽ có thời điểm tạo ra “khoảng trống” về pháp luật, pháp luật chưa theo kịp để điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội mới phát sinh. Trong trường hợp này, trách nhiệm phải thuộc về Nhà nước.
“Không thể đẩy trách nhiệm về phía nhân dân để nói rằng vì chưa có điều luật áp dụng nên từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) khẳng định.
“Chúng ta cần nhất quán quan điểm dù trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào thì Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đó mới đúng bản chất của Nhà nước XHCN. Nếu quy định tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng thì họ biết kêu ai? Công lý trong trường hợp này được thực hiện như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?” đại biểu Trần Ngọc Vinh đặt câu hỏi.
Tán thành với quan điểm này, tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn việc lạm dụng để khởi kiện ra tòa. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị dự thảo Bộ luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh; đặc biệt phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình thì tòa án mới xem xét thụ lý. Đồng thời, luật cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp Tòa bác đơn kiện.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích cụ thể. Nhiều ý kiến tập trung vào thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của Viện kiểm sát; quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp chứng cứ (Điều 70); tổ chức phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ (từ Điều 208 đến Điều 211)...
Theo chinhphu.vn