Đây là nội dung mà Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị chính phủ làm rõ khi sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Đây là nội dung mà Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị chính phủ làm rõ khi sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu.
Trình bày Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XII, sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, qua 10 năm thực hiện, Luật thuế xuất - nhập khẩu (Luật thuế XNK) đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế -xã hội của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, Luật thuế XNK hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi Luật thuế XNK nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Đồng thời, sửa đổi Luật thuế XNK đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc sửa đổi Luật thuế XNK là đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch. Góp phần khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; đồng thời, khắc phục các vướng mắc phát sinh.
Đồng thời, Luật thuế XNK sửa đổi đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế XNK, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng Trình bày Dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). |
Theo đó, Dự thảo Luật Thuế XNK sửa đổi gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương. Những nội dung cụ thể của từng chương được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác quản lý thuế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Nội dung sửa đổi của Dự thảo Luật Thuế XNK bao gồm các nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước, phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết. Các nhóm vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật thuế XNK sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành.
Dự thảo Luật Thuế XNK sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhằm đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Dự thảo Luật XNK sửa đổi quy định thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Thẩm tra dự án Luật thuế XNK (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách Quốc hội cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ. Trong đó tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế XNK để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm mặt hàng, thuộc danh mục nhóm mặt hàng chịu thuế xuất khẩu (chủ yếu là tài nguyên, khoáng sản) và giao thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ quy định.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị, Chính phủ ngoài việc đánh giá tác động tăng, giảm thu NSNN trong việc sửa đổi Luật thuế XNK, đề nghị cần bổ sung đánh giá một cách tổng thể của Chính sách thuế, khả năng bù đắp số hụt thu NSNN do sửa đổi Luật thuế XNK từ các phương án khác, đảm bảo không làm giảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí trên GDP trong giai đoạn tới, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Để đảm bảo thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiến hành tổng kết 3 Pháp lệnh về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ để bổ sung toàn bộ các quy định phòng vệ về thuế vào Luật thuế XNK. Đồng thời bổ sung các quy định khác liên quan đến phòng vệ thương mại vào Luật thương mại và bãi bỏ 3 Pháp lệnh về phòng vệ thương mại hiện hành.
Chính phủ cũng cần rà soát, bổ sung đầy đủ các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế vào Dự thảo luật. Việc quy định cả đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế như Dự thảo luật là không hợp lý, dẫn đến không bao quát hết được các đối tượng chịu thuế và không chịu thuế. Do vậy, đề nghị chỉ quy định trong Dự thảo Luật đối với đối tượng chịu thuế.
Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ số dòng thuế còn lại về hàng hóa nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết và thẩm quyền quyết định mức thuế suất trong biểu thuế do cơ quan nào quyết định; bổ sung quy định về thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các Hiệp định về thuế quan do Chính phủ đàm phán và ký kết.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền quyết định về các thứ thuế. Do vậy, Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc quy định như Dự thảo luật là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
Do đó, Thường trực Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quy định rõ trong Dự thảo luật Danh mục hàng hóa và biểu thuế suất của hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu mà Việt Nam chưa ký kết với các nước và tổ chức quốc tế; Đối với một số hàng hóa cần có sự điều chỉnh, thay đổi thường xuyên theo yêu cầu quản lý kinh tế trong thực tiễn, giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định./.
Theo VOV