06:10, 22/10/2015

Quốc hội: Kinh tế trong nước có nhiều tiến bộ

Ngày 22/10, Quốc hội họp tại tổ để cho đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước trong những năm qua và kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới.

Ngày 22/10, Quốc hội họp tại tổ để cho đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước trong những năm qua và kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới.

 

Đoàn đại biểu Hà Nội tại phiên thảo luận tổ sáng 22/10. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Đoàn đại biểu Hà Nội tại phiên thảo luận tổ sáng 22/10. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến


Hai ngày sau khi Thủ tướng và các thành viên Chính phủ báo cáo các vấn đề vĩ mô tới các đại biểu Quốc hội thì đây là phiên đầu tiên Quốc hội bàn thảo theo nhóm về những nhận định, kế hoạch của Chính phủ và đóng góp ý kiến của mình vào kế hoạch hành động trong thời gian tới.


Đa số các ý kiến phát biểu đánh giá nền kinh tế trong nước có nhiều điểm tiến bộ, đáng ghi nhận. Các biện pháp mà Chính phủ, Quốc hội đưa ra đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế từ những năm đầu nhiệm kỳ trước ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.


Những thành quả rõ ràng được các đại biểu đồng thuận cao là tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, ổn định kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng biểu hiện ở kiểm soát được lạm phát, chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI luôn ở mức thấp.


Bên cạnh đó, cải cách và điều hành chính sách tiền tệ cũng đạt được thành quả quan trọng, kiểm soát được nguy cơ bất ổn định hệ thống tài chính, góp phần ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, đầu tư ở trong nước và kéo giảm nợ xấu.


Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá trong năm 2015 và rõ hơn là trong cả nhiệm kỳ qua, chính sách an sinh xã hội đã được Chính phủ thực hiện hiệu quả, là “tấm lưới” đỡ không để cho những thành phần yếu thế trong xã hội có mức sống quá thấp. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đi sâu vào trong ý thức và việc làm của mỗi người dân, các cấp chính quyền, dần thay đổi cuộc sống người dân nông thôn và diện mạo của khu vực nông thôn.


Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, trong đó có việc xử lý chưa căn cơ vấn đề nợ xấu nên nguy cơ nợ xấu ảnh hưởng tới hoạt động của nền kinh tế là vẫn còn. Bên cạnh đó, nguy cơ nợ công tăng, nội lực của nền kinh tế thấp trước ngưỡng cửa hội nhập lại càng trở nên khó khăn hơn trong điều hành và thực thi của cả chính quyền và doanh nghiệp.


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) còn nêu trong 5 năm qua, có 9/26 chỉ tiêu không đạt nhưng đây toàn là chỉ tiêu về chất lượng của nền kinh tế như GDP, bội chi ngân sách, năng suất lao động,.. Tỉ trọng sản phẩm công nghiệp đặt ra là 30% nhưng thực tế chỉ được 18%.


Tương tự là chỉ tiêu về giải quyết việc làm cũng vậy. Theo ông Lợi: “1,61 triệu lao động được giải quyết việc làm hằng năm nhưng đó là việc làm không bền vững. Lao động ở khu vực không chính thức vẫn chiếm 75% nghĩa là việc vẫn bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đó là căn bản. Và trong số 30% lao động ở khu vực chính thức thì cũng chỉ khoảng 18 triệu người đảm bảo có thu nhập ổn định, đời sống trung bình khá, có bảo hiểm…”


Để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2016 và các năm tiếp theo, các đại biểu Quốc hội đồng tình với các kế hoạch và giải pháp mà Chính phủ đặt ra trong báo cáo trước Quốc hội hôm 20/10.


Góp ý thêm vào việc thực hiện các nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) chỉ ra nguyên nhân cho những hạn chế của thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội là từ những khuyết điểm của thể chế và nền hành chính quốc gia.


“Xét đến cùng, tất cả các yếu tố tạo nên năng suất lao động, tổ chức tốt đều xuất phát từ con người, từ tổ chức bộ máy. Kể cả những nguyên nhân khách quan thì cũng đều do con người tạo ra. Điều đó quyết định việc đất nước phát triển bền vững hay không bền vững, có thoát được tụt hậu hay không”, ông Quyền nói.


Đại biểu này cũng cho rằng ông thấy mừng vì nhiệm kỳ vừa qua các cơ quan đã dần đi vào nề nếp việc lấy phiếu tín nhiệm hay quy hoạch cán bộ mà nhiều nhiệm kỳ trước được làm rất hình thức.


Tuy nhiên, việc quy hoạch cũng chỉ là một bước mà quan trọng hơn, theo đại biểu này, là báo cáo của Chính phủ phải đánh giá kỹ và khách quan năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức.


“Chúng ta mới nêu vấn đề trong báo cáo kiểu nêu để mà nêu, chưa tương xứng với tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của mọi vấn đề... Trong hoạch định, dù Quốc hội trong nhiều khoá vừa qua đã tăng cường chính sách pháp luật nhưng vẫn chồng chéo, manh mún, thiếu thực thi. Yếu tố len lỏi khác là xuất hiện lợi ích nhóm trong quá trình hoạch định chính sách, làm méo mó tính quy luật và khách quan của việc hoạch định chính sách đó”, đại biểu Quyền nói.


Vẫn theo ông Quyền: “Chúng ta trông chờ quá nhiều vào tính tự giác của cán bộ mà chưa có cơ chế kiểm soát, chế tài để làm sao cán bộ không dám, không cần và không thể làm sai”.


Theo chinhphu.vn