12:10, 25/10/2015

Quốc hội bàn về vấn đề lãi suất, di chúc và thời hiệu thừa kế

Chiều 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là lãi suất; di chúc và thời hiệu thừa kế; pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

Chiều 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là lãi suất; di chúc và thời hiệu thừa kế; pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

 

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) phát biểu về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh: ĐD
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) phát biểu về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ảnh: ĐD


Về vấn đề lãi suất, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội quy định về lãi suất: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.


Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về hai phương án.


Phương án 1: Quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.


Phương án 2: Giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân dự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.


Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu đồng tình với phương án 2, nhằm chống lại việc cho vay nặng lãi. Ngoài việc đồng tình với quy định của dự thảo Luật, đại biểu Trần Du Lịch (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Bộ (Đoàn Thanh Hóa), Huỳnh Văn Tiếp (Đoàn Cần Thơ) còn đề nghị phải quy định rõ lãi suất áp dụng cho hợp đồng vay tài sản hay cho các giao dịch dân sự khác.


Về vấn đề di chúc, dự thảo Luật quy định: Di chúc bằng lời nói được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc bằng lời nói thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc bằng lời nói thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.


Đồng tình với quy định của dự thảo Luật, nhưng đại biểu Triệu Hà Phan (Đoàn Hà Giang) đề nghị, cần có thêm quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc bằng lời nói theo thời gian (giờ, ngày, tháng, năm). Nếu không quy định về thời điểm có hiệu lực, sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy cho những người được thừa kế.


Liên quan đền vấn đề thừa kế, đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị dự thảo Luật nên quy định thời hiệu để những người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản là 10 năm đối với bất động sản và động sản. Hiện nay nhiều cái đã khác trước, đặc biệt sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm cho con người gần nhau hơn, nên không cần thiết phải quy định thời hiệu 30 năm đối với bất động sản.


Khác với Bộ luật Dân sự hiện hành, Dự thảo Luật có thêm quy định về pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.


Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.


Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận hoặc nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.


Dù đồng tình với sự cần thiết phải có pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, nhưng một số đại biểu đề nghị cần quy định thật cụ thể những tiêu chí để phân biệt hai loại pháp nhân, nếu không sẽ khó cho các đương sự và Tòa án khi giải quyết tranh chấp./.


Theo ĐCSVN