Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn bao vây quân Anh - Pháp, làm cho chúng ngày càng lâm vào tình trạng khốn quẫn.
Bối cảnh lịch sử
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn bao vây quân Anh - Pháp, làm cho chúng ngày càng lâm vào tình trạng khốn quẫn. Trong tháng 10, có tăng viện từ chính quốc nên quân Pháp đã phá vỡ vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn, mở rộng chiếm đóng các tỉnh Nam Bộ và chuẩn bị tiến công các tỉnh Nam Trung Bộ.
Đầu tháng 10-1945, thiết giáp hạm Risơliơ (Richelieu) tới vùng biển Khánh Hòa. 1.000 quân Pháp từ chiến hạm này đổ bộ lên bãi biển Nha Trang trước Hotel Beau Rivage (nay là khu vực Khách sạn Hải Yến). Cùng lúc, quân Pháp trong thị xã bung ra chiếm một số vị trí then chốt ở Nha Trang.
Tình hình Nha Trang và Nam Trung Bộ được Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Trung Bộ quan tâm theo dõi. Xứ ủy đã có nhận định và chỉ thị: Thực dân Pháp xâm chiếm Nha Trang là uy hiếp trực tiếp con đường chi viện của các lực lượng miền Bắc, miền Trung vào Nam Bộ. Cho nên vây chặt giặc Pháp lại trong Nha Trang để giữ được con đường chi viện cho Nam Bộ là một yêu cầu bức thiết mà Trung ương đã đặt ra cho Đảng bộ và quân, dân Nha Trang - Khánh Hòa. Trước tình hình trên, quân và dân Khánh Hòa bước vào cuộc chiến đấu với một khí thế sôi nổi.
Diễn biến mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa: Trận đánh mở màn
Đúng 3 giờ sáng ngày 23-10-1945, lệnh tấn công của quân ta được phát ra từ một khối thuốc nổ mạnh đặt bên ngoài hầm xe lửa số 1. Lập tức, một loạt các vị trí quân địch trong thị xã bị lực lượng của ta nổ súng tấn công mãnh liệt như: Khu nhà ga Nha Trang, Nhà đèn, Viện Pasteur, khu Bình Tân... Tại khu vực nhà ga, sau vài phút nổ súng, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt toàn bộ quân địch, thu được nhiều vũ khí và trang bị. Tại đây, đồng chí Võ Văn Ký, người chỉ huy lực lượng tự vệ Nha Trang đã chiến đấu dũng cảm và anh dũng hy sinh. Ở khu vực Nhà đèn, ta phá hủy phần lớn máy móc. Khu vực kho vũ khí Bình Tân, do lực lượng không cân sức, bộ đội ta không chiếm được kho, phải rút lên Đồng Bò trước sự phản kích của địch.
Quân Pháp có lực lượng lớn và được quân Nhật trợ chiến chiếm các điểm cao đồi Sinh Trung, đồi Trại Thủy, lập trận địa pháo khống chế khu vực nội thành và vùng xung quanh thị xã.
Cuộc tấn công sớm ngày 23-10-1945 có sự chuẩn bị chu đáo, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khánh Hòa và Nam Trung Bộ.
101 ngày đêm bao vây quân Pháp tại Nha Trang (23-10-1945 - 1-2-1946)
Sau khi tiến công một số vị trí địch, các lực lượng trong thị xã rút ra, phối hợp với lực lượng bên ngoài lập hệ thống phòng tuyến bao vây quân Pháp. Phòng tuyến Chợ Mới gồm phòng tuyến phía bắc thị xã, khu vực đồi La San, cầu Xóm Bóng, Tháp Bà lên đến cầu Sắt, hầm xe lửa số 1; phòng tuyến phía tây từ bến đò Kim Bồng phía nam bờ sông Cái theo dọc đường sắt qua quốc lộ 1 khu vực Chợ Mới, lên phía tây nam qua vùng Thái Thông, Thủy Tú, tới dãy Đồng Bò.
Phòng tuyến Chợ Mới là trận địa phòng ngự gồm hệ thống giao thông hào vận động và công sự chiến đấu có nắp bằng thân dừa chống pháo, cối của địch từ các điểm cao trong thị xã bắn xuống. Ngoài ra, bộ đội còn lợi dụng địa hình dọc đường sắt, dọc theo các đám dừa nước ven sông để chiến đấu.
Trong vòng một tháng, các lực lượng của ta trên phòng tuyến Chợ Mới đánh lui nhiều trận nống ra của quân Pháp. Bưu điện Nha Trang tổ chức xây dựng đường dây, các trạm điện thoại ở Phú Vinh, Lương Sơn, Hòa Tân, đảm bảo thông tin liên lạc giữa Sở chỉ huy mặt trận Nha Trang với Ủy ban Quân chính Nam Trung Bộ có chỉ huy sở đóng tại thôn Xuân Hòa nay thuộc xã Ninh Phụng (huyện Ninh Hòa) và giữa Ủy ban Quân chính với Tháp Chàm (Ninh Thuận) và Nam Bộ.
Công an xung phong, tự vệ thành liên tiếp tổ chức những trận tấn công các mục tiêu và vị trí trọng yếu của quân Pháp. Trận địa pháo 75mm trên đồi La San nhiều lần nã đạn vào vị trí địch trong thị xã. Ngày 26-10, pháo ta bắn cháy một tàu vận tải nhỏ của Pháp trước Hotel Beau Rivage. Nhiều toán lính địch bị tự vệ ta diệt trên đường phố, một số tên tay sai của Pháp bị trừng trị.
Mục đích của quân Pháp chiếm Nha Trang làm bàn đạp mở rộng diện chiếm đóng không thể thực hiện được. Âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp bị sa lầy tại Khánh Hòa. Chúng tăng cường lực lượng để mở các cuộc tấn công mới.
Trong hai ngày 22 và 23-11, lực lượng ta và Pháp đọ sức quyết liệt tại khu vực từ Chợ Mới đến chùa Bà Nghè - Ngọc Hội, sau đó ta rút khỏi phòng tuyến Chợ Mới đưa toàn bộ lực lượng lui về lập phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng cách thị xã Nha Trang 6km.
Trong khi Nha Trang đang chiến đấu, các đơn vị võ trang tập trung và bán tập trung được giao nhiệm vụ cụ thể. Những nơi trực tiếp có chiến sự thì dân quân phục vụ tiền tuyến: Tải thương, tiếp tế lương thực, liên lạc dẫn đường và trực tiếp chiến đấu cùng bộ đội. Các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa và Cam Lâm (Cam Ranh) tổ chức canh gác, xây dựng công sự, lập các đội vận tải, phục vụ mặt trận và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Một số đơn vị dân quân tập trung của Ninh Hòa được tăng cường cho phòng tuyến phía bắc mặt trận Nha Trang. Những điểm xung yếu như cầu, cống dọc Quốc lộ 21, Quốc lộ 1, hầm xe lửa đèo Cổ Mã được bộ đội và dân quân du kích các địa phương trong tỉnh chốt giữ. Cả Nha Trang - Khánh Hòa trở thành một mặt trận chiến đấu chống quân thù.
Lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu ở mặt trận Nha Trang, gồm có tiểu đoàn tự vệ địa phương và các đơn vị Nam tiến: Đại đội Lê Trung Đình (Quảng Ngãi) - đơn vị đầu tiên tới Nha Trang, sau đó là đơn vị Thuận Hóa do đồng chí Nguyễn Thế Lâm (tức Nguyễn Kén) chỉ huy đóng tại Thái Thông, Thủy Tú, đơn vị bộ đội Nghệ Tĩnh đứng chân tại Lư Cấm. Đơn vị bộ đội ở Nam Bộ ra gồm hầu hết là anh em công nhân đồn điền cao su do đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chỉ huy đứng chân tại tây - nam thị xã.
Cuối tháng 12-1945, đơn vị Nam tiến Bắc - Bắc do đồng chí Lư Giang chỉ huy, đơn vị Quảng Yên do đồng chí Lê Hữu Quán chỉ huy vào đến Khánh Hòa. Đơn vị Bắc - Bắc tham gia mặt trận Nha Trang tại phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng, còn đơn vị Quảng Yên lên chi viện cho mặt trận Buôn Ma Thuột.
Trong quá trình chiến đấu, nhân dân và lực lượng vũ trang luôn đoàn kết gắn bó, vừa đánh giặc, vừa xây dựng củng cố lực lượng, bảo đảm cung cấp vũ khí, lương thực, cứu chữa thương bệnh binh, tạo mọi điều kiện cho tiền tuyến đánh thắng. Công tác xây dựng hậu phương làm cơ sở cho kháng chiến lâu dài được chú ý. Lúc này Diên Khánh là hậu phương trực tiếp của mặt trận, các cơ quan đầu não của tỉnh chuyển về khu vực Thành. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đóng ở thôn Trường Lạc. Cơ quan Đảng, Mặt trận Việt Minh đóng tại thị trấn và cơ quan quân sự đóng trong Thành Diên Khánh. Mặc dù khu vực chiến sự diễn ra cách Thành chỉ vài cây số, nhưng mọi sinh hoạt ở đây gần như bình thường, nhân dân vẫn tích cực sản xuất phục vụ chiến đấu.
Diễn biến chiến trường ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và ở mặt trận Nha Trang được Trung ương Đảng và Bác Hồ đặc biệt quan tâm theo dõi. Cuối tháng 12-1945, Hồ Chủ tịch cử phái đoàn Chính phủ do đồng chí Lê Văn Hiến dẫn đầu tới một số tỉnh Nam Trung Bộ tìm hiểu tình hình, phổ biến một số chính sách, chủ trương của Chính phủ và mang thư của Bác Hồ “Gửi các chiến sĩ cùng đồng bào Nam Bộ và phía Nam Trung Bộ”.
Cuối tháng Giêng năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra tình hình mặt trận miền Nam. Ngày 27-1-1946 đồng chí tới thị sát mặt trận Nha Trang, cùng đi có đồng chí Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp có cuộc họp mặt với các cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, mặt trận Việt Minh, chỉ huy quân sự tỉnh tại Thành Diên Khánh. Đồng chí trân trọng chuyển lời thăm hỏi và khen ngợi của Bác Hồ đến đồng bào chiến sĩ mặt trận Nha Trang.
Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp 101 đêm tại mặt trận Nha Trang chấm dứt. Quân và dân Khánh Hòa được sự chi viện của cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương giao phó. Nhân ngày kỷ niệm quân đội ta tròn 1 tuổi, ngày 22-12-1945, Bác Hồ gửi thư khen các chiến sĩ mặt trận miền Nam, các chiến sĩ mặt trận Nha Trang: Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ các mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc.
Tổ quốc biết ơn các bạn.
Toàn thể đồng bào noi gương các bạn.
Đây là phần thưởng quý giá, sự động viên to lớn, niềm tự hào không chỉ riêng quân dân Nha Trang, mà còn là của toàn thể Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
T.A (Theo lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930 - 1975)