Nhắc đến sự kiện 101 ngày đêm kháng chiến của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, những cựu binh năm xưa luôn tự hào về việc được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra tình hình và chỉ đạo phương hướng kháng chiến vào đầu năm 1946.
Nhắc đến sự kiện 101 ngày đêm kháng chiến của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, những cựu binh năm xưa luôn tự hào về việc được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào kiểm tra tình hình và chỉ đạo phương hướng kháng chiến vào đầu năm 1946.
Theo sách Chiến thắng bằng mọi giá của nhà sử học Cecil B. Currey (người Mỹ) và bài hồi ký Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa năm ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Đỗ Kim Cuông ghi lại), Đại tướng rời Hà Nội vào ngày 18-1-1946 trên một trong những chiếc xe hơi ít ỏi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chỉ vài ngày sau, Đại tướng có mặt ở Huế, rồi vượt đèo Hải Vân đi tiếp vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... Trên đường vào Nam, ở đâu Đại tướng cũng gặp không khí sục sôi cách mạng. “Tôi đã gặp biết bao người lính trẻ đi ra mặt trận. Những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới cùng với tiếng hát hào hùng ngân vang bài “Tiến quân ca”. Họ là những người cảm tử quân của Trung đoàn Bắc Bắc, Quảng Ngãi, Thuận Hóa và nhiều đơn vị Nam tiến khác đến chi viện cho chiến trường phía nam, trong đó có mặt trận Nha Trang”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong bài hồi ký.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bên trái) và luật sư Phan Anh tại đình Xuân Hòa, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa vào đầu năm 1946. (Ảnh tư liệu) |
Cuối tháng 1-1946, Đại tướng vượt đèo Cả vào đất Khánh Hòa. “Mặt trận đã rất gần. Không khí chiến đấu của các đơn vị bộ đội, tự vệ Nha Trang rất nóng bỏng. Quân Pháp ngoài lực lượng vây ép quân ta, hàng ngày chúng còn cho máy bay ném bom, cho bắn pháo từ các hạm tàu vào phòng tuyến, làng mạc của bộ đội ta chiếm giữ ở phía bắc sông Cái... Cuộc chiến đấu của bộ đội, tự vệ Nha Trang chống trả lại quân Pháp đang diễn ra gay go, quyết liệt. Suốt đêm ngày vọng về tiếng súng bắn nhau không ngớt”. Chiều 21-1-1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến phòng tuyến Cây Da - Quán Giếng để kiểm tra tình hình chiến sự, động viên cán bộ, chiến sĩ đang chiến đấu ở phòng tuyến. “Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ ngay dưới giao thông hào. Người nói: “Bác Hồ đã dặn tôi phải nhớ chuyển lời thăm hỏi của Người tới đồng bào và chiến sĩ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng miền Nam”. Nghe đến đây, chúng tôi không kìm được xúc động nên đều bật hô lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm...””, Đại tá Đỗ Anh Tịnh (chiến sĩ mặt trận 23-10) nhớ lại.
Theo Đại tá Đỗ Anh Tịnh, khi ấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi theo giao thông hào khắp phòng tuyến, hỏi chuyện các chiến sĩ. Ở những điểm hỏa lực, Đại tướng đã xuống hầm quan sát, chỉ dẫn cho chiến sĩ các vật chuẩn bên phía địch để ngắm bắn cho chính xác... Đặc biệt, Đại tướng đã hỏi nhiều về tình hình ăn uống, sinh hoạt, cách đánh cũng như trang bị vũ khí của từng người.
Trong chuyến đi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến Thành cổ Diên Khánh, gặp đồng chí Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Khánh Hòa khi ấy, cùng với các đồng chí chỉ huy mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa để nắm tình hình. Người cũng gặp những chiến sĩ cảm tử quân từng đánh địch ở Mả Vòng, ga xe lửa... Nhận thấy thực dân Pháp sẽ tăng viện lực lượng chuẩn bị mở cuộc tấn công mới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo điều chỉnh sự bố trí lực lượng và thay đổi phương thức tác chiến theo hướng rút bộ phận chủ lực ra ngoài, chỉ để bộ phận nhỏ bám địch; tổ chức các đơn vị cơ động đánh địch bằng hình thức tập kích, phục kích, tiêu hao sinh lực địch; tổ chức làng xã chiến đấu, tạo nên thế trận lòng dân đánh giặc, chủ động xây dựng căn cứ ở Đồng Trăng để chuẩn bị kháng chiến lâu dài... Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Đại tướng đang chuẩn bị đi Nam thì nhận được điện của Bác Hồ gọi ra gấp. Trên đường ra Bắc, Đại tướng đã ghé lại Ninh Hòa gặp các đồng chí Phạm Kiệt, Trương Quang Giao để bàn kế hoạch tác chiến ngăn chặn quân Pháp đang tấn công từ Đắk Lắk xuống. Về đến Hà Nội, báo cáo tình hình, Bác Hồ cũng nhận định “việc chuyển hướng tác chiến của mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa là đúng”.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nhắc về việc đã đến mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy; mỗi khi các chiến sĩ 23-10 đến thăm, người đều đón tiếp rất chân tình.
Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 48 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vào thăm lại xứ Trầm Hương. Lần ấy, Đại tướng đã đi thăm lại những nơi người từng đặt chân đến như: Thành cổ Diên Khánh, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung, thăm một số địa danh, khu vực chiến đấu những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1995, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Nha Trang - Khánh Hòa kháng chiến, Đại tướng đã có thư gửi thăm. Trong thư, Đại tướng nhắc lại sự anh dũng, kiên cường, hy sinh dũng cảm của chiến sĩ và đồng bào ở mặt trận Nha Trang những ngày đầu kháng chiến chống Pháp mà Người đã tận mắt chứng kiến. Đại tướng viết: “Những ngày chiến đấu vô cùng gay go nhưng rất đỗi hào hùng ấy đã để lại những hình ảnh tuyệt đẹp trong lịch sử kháng chiến của cả dân tộc. Đó là vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Nha Trang - Khánh Hòa...”. Năm 2003, Khánh Hòa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng cũng gửi thư chúc mừng.
70 năm đã qua kể từ đó, mỗi khi nhắc đến sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa, nhiều cựu binh mặt trận đều rất xúc động và nói rằng nhờ có sự chỉ đạo sáng suốt của Đại tướng nên họ mới còn đến hôm nay. “Nếu ngày ấy, chúng ta cứ bám lấy phòng tuyến để đối đầu với địch thì tổn thất sẽ nhiều vô kể... Anh em chúng tôi vẫn thường nhắc đến cái ơn của Đại tướng”, ông Trần Tô - Trưởng Ban liên lạc 23-10 nói.
XUÂN THÀNH