Hôm nay 23-10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại tổ, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Hôm nay 23/10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại tổ, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
ĐBQH thảo luận dự thảo Báo cáo Chính trị tại đoàn TPHCM. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến. |
Phát biểu thảo luận, các ý kiến ĐBQH đều ghi nhận sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Ban Chấp hành Trung ương.
“Dự thảo đã phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác, thẳng thắn mọi mặt phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, cũng như đề ra những mục tiêu phát triển hợp lý, phù hợp với thực tiễn tình hình, đảm bảo tính khả thi” đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, thành viên đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói.
Góp ý về tiêu đề của văn kiện, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, tiêu đề “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh” cần thay bằng chữ “phải” thay cho tăng cường, bởi đây là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân.
Đại biểu Đương cũng đề nghị đưa yếu tố nông nghiệp vào cụm mục tiêu “đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại”.
Cũng liên quan đến định hướng phát triển, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu (Thanh Hóa) cho rằng, mục tiêu phát triển “nhanh và bền vững” cần gắn chặt với bảo vệ môi trường. Theo đó, thay vì phát triển các ngành công nghiệp ảnh hưởng lớn đến môi trường, cần xác định một số ngành sản xuất, dịch vụ là thế mạnh của cả nước, là những khâu đột phá.
Chẳng hạn như chú trọng phát triển du lịch, bởi so với các nước trong khu vực, thì tiềm năng du lịch của Việt Nam là đặc biệt lớn. Hoặc như ngành viễn thông, phần mềm. Thực tế phát triển thời gian qua đã chứng minh Việt Nam rất có lợi thế cạnh tranh trong những lĩnh vực này.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng thể hiện tâm đắc với việc dự thảo văn kiện xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” cho phát triển đất nước.
“Đây là nhận thức rất mới, phù hợp với tính hình hiện nay”, ông Đỗ Văn Đương nhận định.
Về xây dựng nền kinh tế thị trường, các ĐBQH cũng đồng tình với việc phải có vai trò điều tiết của Nhà nước - yếu tố thể hiện định hướng XHCN, đặc trưng Nhà nước của dân.
Theo các đại biểu, Nhà nước nhất thiết phải đóng vai trò điều tiết lợi nhuận để xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giầu-nghèo, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia.
“Nhiều thời điểm, Nhà nước phải có sự can thiệp để ổn định thị trường, ổn định xã hội”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) nhấn mạnh.
Các ý kiến của ĐBQH cũng đề nghị văn kiện Đại hội cần thể hiện quan điểm quyền làm chủ của nhân dân là quyền tối cao, từ đó phát huy đầy đủ vai trò của người dân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nên thay thuật ngữ “nền kinh tế thị trường hiện đại” như trong dự thảo, thành nền kinh tế năng động, sáng tạo, có sức cạnh tranh cao, hoặc thể hiện như trong Hiến pháp, là nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
Kiến nghị xem xét một số chỉ tiêu cụ thể
Về một số chỉ tiêu phát triển, đa số ĐBQH thống nhất cho rằng, việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo như trong dự thảo là tương đối hợp lý, phù hợp với thực tiễn tình hình, đảm bảo tính khả thi.
Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cũng đề nghị cần xem xét thêm một số chỉ tiêu cụ thể. Chẳng hạn như chỉ tiêu yếu tố năng suất tổng hợp. Theo ý kiến các ĐBQH, với trình độ phát triển như Việt Nam, hiện chưa đủ cơ sở để tính toán đầy đủ, khoa học các yếu tố tác động đến chỉ tiêu này.
Hay đối với chỉ tiêu về tỉ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế. Với thực tế hiện nay nông nghiệp vẫn chiếm hơn 40%, thì việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nông nghiệp chỉ chiếm 30-35% là rất khó khả thi.
Một chỉ tiêu khác cũng được đại biểu cho rằng chưa thực sự hợp lý, đó là chỉ tiêu 95% nông dân được sử dụng nước sạch. Theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi, con số này ngay cả ở những thành phố lớn cũng còn khó khả thi.
Đại biểu Lợi cũng nêu ra một chỉ tiêu nữa mà dự thảo đưa ra ở mức cao, rất khó thực hiện được trong 5 năm tới, đó là việc 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Theo ông Lợi, trong vài năm qua, dù được tập trung ưu tiên đầu tư, nhưng chỉ khoảng 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong khi đó, nguồn lực huy động từ trong dân, từ ngân sách đã ở mức cao.
“Nếu đối chiếu với các tiêu chí nông thôn mới hiện tại, thì chỉ tiêu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn là rất khó thực hiện”, đại biểu nói.
Tại các tổ thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về các chủ đề xây dựng Đảng; mô hình tổ chức Đảng - Nhà nước; phân tích sâu những yếu tố cản trở, kìm hãm sự phát triển như yếu tố con người, nạn tham nhũng, lãng phí…
Theo chinhphu.vn