01:10, 25/10/2015

Đại biểu QH góp ý nhiều vấn đề trong dự thảo Bộ luật Dân sự

Thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng 24/10, các đại biểu QH nêu ý kiến về bảo vệ quyền dân sự, vấn đề chuyển đổi giới tính, vấn đề chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự…

Thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng 24/10, các đại biểu QH nêu ý kiến về bảo vệ quyền dân sự, vấn đề chuyển đổi giới tính, vấn đề chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự…

 

Ảnh: VGP/Linh Đan
Ảnh: VGP/Linh Đan


Thảo luận tại hội trường, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (QH) quan tâm liên quan đến việc bảo vệ quyền dân sự. Đó là nên cân nhắc việc quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật để giải quyết quan hệ dân sự.


Khoản 2 Điều 5 của dự thảo quy định “Trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán, nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này”.


Theo các đại biểu, thực tế việc áp dụng tập quán trong giải quyết quan hệ dân sự gặp nhiều khó khăn, không thống nhất trong áp dụng pháp luật, đặc biệt khi chúng ta chưa làm rõ được khái niệm “tập quán”, tương tự pháp luật, án lệ và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.


Do vậy, để đảm bảo tính khả thi cho quy định này, cần quy định rõ về khái niệm “tập quán”.


Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho biết tham khảo kinh nghiệm thế giới cho thấy, ngay ở những nước có nền pháp lý phát triển thì hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết mọi tình huống phát sinh trong xã hội.Vì vậy, phải tin tưởng và giao cho thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử.


Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và do đó quy định như dự thảo Bộ luật là phù hợp.


Về việc chuyển đổi giới tính, vấn đề này được hầu hết các đại biểu cho rằng đi kèm theo đó nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân, gia đình và chính sách an sinh xã hội.


Chính vì vậy, đảm bảo tính thận trọng, dự thảo đã  tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.


Theo các đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Trần Thị Hiền (Hà Nam), quy định như dự thảo là bảo đảm tính nhân văn và điều ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia.


Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền nhấn mạnh thêm, việc thay đổi giới tính sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như ảnh hưởng uy tín gia đình hoặc phát sinh các vấn đề xã hội. Do vậy cần quy định thêm điều kiện nào thì được thay đổi giới tính chứ không nên ghi chung chung “theo quy định của  pháp luật” như trong dự thảo. Ngoài ra cần có xác nhận  của cơ quan y tế mới được chuyển đổi cũng như quy định các trường hợp cấm chuyển đổi giới tính.


Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới; trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh bị lạm dụng.


Các đại biểu cũng nêu ý kiến về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 101); về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức; về biện pháp bảo lãnh (Điều 335 và Điều 336); lãi suất (Điều 467)…


Theo dự thảo  “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.


Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Chỉ nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự với tỉ lệ phần trăm tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.


Có ý kiến đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...


Theo chinhphu.vn