Ngày 20-10, khi trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo thêm nhiều nội dung về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngày 20-10, khi trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo thêm nhiều nội dung về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TPP là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với sự tham gia của 12 quốc gia là Việt Nam, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Brunei, Canada, Mexico, Peru, Chile, Australia, New Zealand. Như vậy, TPP sẽ có quy mô chiếm khoảng 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.
Việt Nam đã chủ động tham gia đàm phán Hiệp định này ngay từ đầu với tư cách là quan sát viên đặc biệt và trở thành thành viên chính thức từ tháng 11/2010.
Các nước tham gia đàm phán cùng thống nhất mục tiêu của Hiệp định TPP là một hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, nhưng cân bằng về lợi ích và có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phát huy sáng tạo; nâng cao năng suất lao động; tạo nhiều việc làm mới; nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo.
Trong quá trình xây dựng phương án và đàm phán, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo và thực hiện nghiêm túc các chủ trương về hội nhập quốc tế theo nghị quyết và các chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nguyên tắc đàm phán TPP là bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất, không ký kết Hiệp định bằng mọi giá; các nước tôn trọng thể chế chính trị của nước ta và có đối xử linh hoạt, dành cho Việt Nam lộ trình thực thi phù hợp.
“Kết thúc đàm phán, chúng ta đã đạt được kết quả theo đúng chủ trương, chỉ đạo nêu trên và phương án đã được Bộ Chính trị phê duyệt”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận, các bên sẽ tiếp tục hoàn tất các văn bản, thủ tục để có thể cùng ký chính thức Hiệp định vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016. Sau đó, các nước sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định theo quy định pháp luật của mỗi nước với mục tiêu là đưa Hiệp định có hiệu lực từ giữa năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn. Đương nhiên, TPP cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, đối với một số ngành hàng khả năng cạnh tranh còn thấp, đàm phán đã đạt được lộ trình với thời gian thực thi phù hợp để giúp các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
“Việc thực hiện thành công Hiệp định TPP tùy thuộc rất lớn vào sự nỗ lực phấn đấu nâng cao nội lực và sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng với những kinh nghiệm thực tế trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là sau hơn 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Việt Nam sẽ vượt qua được khó khăn thách thức, phát huy tối đa cơ hội, thuận lợi, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện Hiệp định TPP, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật.
Theo chinhphu.vn