Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về kết quả 17 năm thực hiện Chỉ thị 30 ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa về thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về kết quả 17 năm thực hiện Chỉ thị 30 ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.
- Xin ông cho biết công tác chỉ đạo, tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị 30 trên địa bàn tỉnh trong những năm qua?
- Ngay sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị 30, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 229 ngày 6-7-1998 triển khai tổ chức học tập và thực hiện Chỉ thị 30 trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở các cấp được thành lập và thường xuyên củng cố, kiện toàn. Việc tổ chức thực hiện QCDC theo hình thức triển khai điểm, rồi mới triển khai ra diện rộng. Trong quá trình triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những kết luận điều chỉnh và chỉ đạo cụ thể, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh; kịp thời chỉ đạo kiểm tra, giám sát theo định kỳ, chuyên đề; nghiêm túc tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện QCDC ở cơ sở.
Qua 17 năm triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện QCDC; gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Thời gian qua, nét nổi bật trong thực hiện QCDC ở cơ sở là các tầng lớp nhân dân đã ý thức tốt hơn về quyền làm chủ, từng bước phát huy dân chủ, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia các phong trào thi đua yêu nước...
Kết quả thực hiện QCDC ở từng loại hình cơ sở đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ở xã, phường, thị trấn, chính quyền cơ sở đã công khai thu, chi ngân sách, các loại quỹ, khoản đóng góp của nhân dân, chế độ, chính sách; duy trì tổ chức họp dân để thảo luận công khai các nội dung dân bàn và quyết định trực tiếp; tổ chức cho người dân giám sát, kiểm tra thông qua các đại diện dân cử. Các ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân cơ sở đã tham gia giám sát hàng trăm công trình, dự án, góp phần nâng cao chất lượng đầu tư, phát huy tinh thần tự quản, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham gia tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải ở cơ sở, củng cố lòng tin trong nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Việc thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã tác động tích cực đến tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; góp phần thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế cơ quan. Qua việc thực hiện QCDC ở các loại hình doanh nghiệp, những phản ánh được lãnh đạo tiếp thu trả lời đã củng cố niềm tin cho người lao động; mối quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động và tổ chức công đoàn ngày càng gắn bó. Qua đó, người lao động hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, góp phần tăng năng suất lao động, là cơ sở cho doanh nghiệp phát triển ổn định. Việc xây dựng và thực hiện QCDC trong một số lĩnh vực mới như giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tiếp tục được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả.
Qua thực hiện QCDC, phong cách làm việc, quan hệ với dân của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được đổi mới theo hướng “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”; ý thức dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị được nâng lên; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường.
- Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 30, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?
- Qua thực tiễn 17 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể: Xác định việc thực hiện QCDC ở cơ sở là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng các địa phương, đơn vị. Vì thế, ở đâu cấp ủy đảng coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện QCDC thì dân chủ được phát huy, việc thực hiện QCDC đạt được nhiều tiến bộ. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò ban chỉ đạo thực hiện QCDC các cấp; phát hiện, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong thực hiện QCDC. Để thực hiện tốt QCDC, trước hết phải có đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải thực sự gương mẫu; đẩy mạnh cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
---
Bên cạnh đó, phát huy dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh những vụ việc tiêu cực, những hành vi lợi dụng dân chủ gây rối, làm mất ổn định trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở. Các cấp, ngành phải tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến trong việc xây dựng chính sách, pháp luật; tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân, sửa chữa sai sót một cách nghiêm túc.
- Xin ông cho biết một số nét chính về việc tiếp tục thực hiện QCDC trong thời gian đến?
- Trong thời gian đến, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt QCDC ở cơ sở gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, triển khai sâu rộng Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, các quyết định của Bộ Chính trị về Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể, phát huy tinh thần dân chủ của các tầng lớp nhân dân trong giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường năng lực hoạt động của ban chỉ đạo các cấp và đẩy mạnh sự phối hợp với chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong thực hiện QCDC. Gắn thực hiện QCDC với khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...
- Xin cảm ơn ông!
N.D (Thực hiện)