10:07, 07/07/2015

Sửa đổi đối tượng của Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 971 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", trong đó, sửa đổi đối tượng của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 971 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, trong đó, sửa đổi đối tượng của Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020”.


Cụ thể, đối tượng của Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” là LĐNT từ đủ 15 tuổi đến 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ), có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học, bao gồm: Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã; Người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.


Trong đó, ưu tiên ĐTN cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, ngư dân.


Quyết định cũng bổ sung quy định tổ chức ĐTN cho LĐNT. Cụ thể, việc tổ chức ĐTN cho LĐNT (bao gồm cả ĐTN nông nghiệp và ĐTN phi nông nghiệp) chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học. Các nghề đào tạo cho LĐNT phải đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực trong ĐTN cho LĐNT một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình.


Bên cạnh đó, thu hút các cơ sở đủ điều kiện tham gia ĐTN cho LĐNT, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động. Tổ chức ĐTN cho LĐNT theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả; ĐTN tại doanh nghiệp, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới, làng nghề. Tiếp tục nhân rộng các mô hình ĐTN có hiệu quả của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, gắn ĐTN với hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm cho LĐNT.


K.T (Tổng hợp)