11:07, 07/07/2015

Một số nội dung được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các ngành liên quan về một số nội dung được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp.

LTS: Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V xem xét thông qua nhiều nội dung quan trọng. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn lãnh đạo UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và các ngành liên quan về một số nội dung được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp.


Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Điều chỉnh mức thu phí đối với các loại xe mô tô là 0 đồng


- Xin ông cho biết tình hình thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh thời gian qua?


- Thời gian qua, việc tổ chức thu phí xe mô tô trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Công tác thu được thực hiện theo phương thức thủ công, thu trên đầu phương tiện; vì vậy, để thu được phải huy động nhiều người đi thu ở các tổ dân phố, thôn dẫn đến tốn kém, tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả mang lại không cao. Số thu phí sử dụng đường bộ có xu hướng giảm dần. Cụ thể: năm 2013 thu được hơn 9,7 tỷ đồng, năm 2014 gần 5,5 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2015 chỉ thu được 652 triệu đồng. Trong thực tế, việc áp dụng chế tài để xử lý đối với các đối tượng không nộp phí khó thực hiện được nên tạo ra sự không công bằng giữa người nộp với người không nộp.


- Vậy, đề xuất của UBND tỉnh về vấn đề này như thế nào, thưa ông?


- Theo quy định tại điểm 4, Phụ lục số 1, Thông tư số 133 ngày 11-9-2014 của Bộ Tài chính, đối với xe mô tô thì căn cứ mức thu phí tối đa, HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu phí cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Như vậy, Bộ Tài chính không quy định mức thu phí tối thiểu đối với xe mô tô nên tùy tình hình thực tế tại địa phương, HĐND tỉnh có thể quy định mức thu phí bằng 0 đồng. Điều này cũng góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân khi phải chịu nhiều khoản phí, lệ phí và khoản đóng góp các quỹ ngoài ngân sách. Trên thực tế, việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ khi thực hiện mức thu phí bằng 0 đồng cũng trên cơ sở nguồn thu từ Quỹ Bảo trì đường bộ của tỉnh (phần thu phí đối với ô tô được để lại cho địa phương) và khả năng cân đối ngân sách tỉnh, UBND tỉnh sẽ bố trí nguồn để thực hiện.


Trên những cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh sửa đổi Điều 1 Nghị quyết số 01/2013 theo hướng: Mức thu phí đối với các loại xe mô tô là 0 đồng. Thời gian áp dụng tính từ ngày 1-1-2016 để đảm bảo tính công bằng đối với những người đã nộp phí trong 6 tháng đầu năm 2015.


- Xin cảm ơn ông!


N.Tâm (Thực hiện)

-------------------------------------------------------------------------------------------------


Tăng mức phí sử dụng cảng cá


Liên quan đến chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng cảng cá sẽ được HĐND tỉnh xem xét thông qua, ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính cho biết:


Trước đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11 ngày 31-3-2009 quy định về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng cảng cá để tiến hành thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo Thông tư số 02/2014 của Bộ Tài chính, phí sử dụng cảng cá thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh. Vì vậy, cần phải ban hành nghị quyết mới thay thế để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.


- Mức thu phí cảng cá sẽ được quy định như thế nào, thưa ông?


- Theo quy định tại Thông tư 02/2014 của Bộ Tài chính, mức thu phí sử dụng cảng cá là mức thu tối đa, nhưng tùy quy mô đầu tư xây dựng, điều kiện tiếp nhận phương tiện và hàng hóa của cảng mà quy định cho phù hợp. Mức thu phí sử dụng cảng cá trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp này bằng 75 - 83% so với quy định tại Thông tư 02 của Bộ Tài chính và tăng khoảng 1,5 lần so với quy định tại Nghị quyết số 11/2009 của HĐND tỉnh.


Phí sử dụng cảng cá là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Đơn vị thu phí được để lại 100% số tiền thu được để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí quản lý, đầu tư, sử dụng cảng cá.


- Xin ông cho biết các mức thu cụ thể?


- Mức thu tính cho 1 lần tàu thuyền vào hoặc ra cảng. Đối với tàu thuyền đánh cá như sau: Tàu thuyền có công suất dưới 20CV: 8.000 đồng; công suất từ 20 đến 50CV: 15.000 đồng; công suất trên 50 đến 90CV: 30.000 đồng; công suất trên 90 đến 200CV: 50.000 đồng; công suất trên 200CV: 80.000 đồng. Đối với tàu thuyền vận tải: Tàu thuyền có trọng tải dưới 5 tấn: 15.000 đồng; trọng tải từ 5 đến 10 tấn: 30.000 đồng; trọng tải trên 10 tấn đến 100 tấn: 80.000 đồng; trọng tải trên 100 tấn: 130.000 đồng.


Đối với phương tiện vận tải mức thu cho 1 lần vào hoặc ra cảng như sau: 2.000 đồng đối với xe máy, xích lô, ba gác chở hàng; 8.000 đồng đối với phương tiện có trọng tải dưới 1 tấn; trọng tải từ 1 - 2,5 tấn: 15.000 đồng; trọng tải trên 2,5 đến 5 tấn: 25.000 đồng; trọng tải trên 5 đến 10 tấn: 30.000 đồng; trọng tải trên 10 tấn: 40.000 đồng. Đối với hàng hóa qua cảng, mức thu 15.000 đồng/tấn đối với hàng thủy sản, động vật tươi sống; 55.000 đồng/container đối với hàng hóa là container; 6.000 đồng/tấn đối với các loại hàng hóa khác.


- Xin cảm ơn ông!


Thanh Long (Thực hiện)

-------------------------------------------------------------------------------------------------

 

6 đơn vị hành chính cấp xã đủ điều kiện công nhận xã đảo


Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa xung quanh việc HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua việc công nhận xã đảo cho 6 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết:


- Theo Quyết định số 569 ngày 22-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận là xã đảo, đơn vị hành chính cấp xã phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí gồm: Có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19 Luật Biển Việt Nam năm 2012 và có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo. Đơn vị hành chính cấp xã được công nhận là xã đảo phải đảm bảo được 1 trong 3 điều kiện sau: là đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã được công nhận là huyện đảo; có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo; có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển (xã có đảo ở trên biển) và trên đảo có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân.   


Căn cứ các tiêu chí, điều kiện quy định tại Quyết định 569, các xã, phường, thị trấn gồm: Cam Bình (TP. Cam Ranh), Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang), Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa) đủ điều kiện để được công nhận là xã đảo. Các hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị công nhận xã đảo đã được UBND cấp xã, cấp huyện liên quan thực hiện đầy đủ, hợp lệ, đúng quy định.


- Sau khi được công nhận là xã đảo, 6 đơn vị hành chính cấp xã nói trên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi gì, thưa ông?


- Sau khi HĐND tỉnh thông qua 6 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện công nhận xã đảo, UBND tỉnh sẽ hoàn tất thủ tục, hồ sơ gửi Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận theo quy định.


Theo đó, UBND cấp huyện có xã đảo vừa được công nhận căn cứ Quyết định số 568 ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020 để xây dựng Dự án phát triển kinh tế - xã hội của xã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và ngân sách của địa phương; đồng thời được thực hiện các chính sách ưu đãi liên quan khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với xã đảo.


Các xã đảo thuộc huyện đảo đang thực hiện chính sách ưu đãi đặc thù theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì vẫn tiếp tục được thực hiện các chính sách ưu đãi này. Các xã đảo đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 539 ngày 1-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được thực hiện chính sách ưu đãi do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với xã đặc biệt khó khăn.


- Xin cảm ơn ông!


BÍCH LA (Thực hiện)

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------

 

Hỗ trợ vay vốn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài


Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về chính sách cho vay vốn hỗ trợ người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.


- Xin ông cho biết mục đích của chính sách cho vay vốn hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh?


- Hiện nay, Khánh Hòa có 757.235 người trong độ tuổi lao động (chiếm 62,9% dân số). Trong đó, lao động ở khu vực nông thôn đang có xu hướng giảm dần, đến nay có 427.838 người (chiếm 56,5% tổng số lao động). Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 4%. Việc làm cho NLĐ vẫn đang là vấn đề bức xúc. Trong đó, đáng quan tâm là lực lượng lao động độ tuổi thanh niên ở khu vực nông thôn và những vùng đô thị hóa đang gặp nhiều khó khăn, chưa tìm được việc làm để ổn định cuộc sống. Thị trường lao động nước ngoài đã và đang là một trong các kênh trực tiếp giải quyết việc làm cho một bộ phận NLĐ, góp phần tích cực nâng cao trình độ nghề nghiệp và đời sống của NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015 - 2020 là hết sức cần thiết.


- Tỉnh sẽ có sự hỗ trợ như thế nào dành cho đối tượng lao động này, thưa ông?


- NLĐ đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ vay vốn để chi trả các chi phí, lệ phí hợp pháp cần thiết để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Đối tượng được vay vốn là người tham gia đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nằm trong các diện sau: Thứ nhất, NLĐ thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, người có công: được hỗ trợ vay 100% chi phí; trong đó, vay từ nguồn vốn Trung ương tối đa không quá 30 triệu đồng/người, phần chênh lệch còn lại giữa chi phí XKLĐ với phần được vay từ Trung ương sẽ được cho vay từ nguồn ngân sách của tỉnh được ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa (NHCSXH). Thứ hai, NLĐ thuộc hộ cận nghèo, bộ đội xuất ngũ, người dân tộc thiểu số: được hỗ trợ vay 100% chi phí đi XKLĐ theo các nội dung vay vốn hỗ trợ XKLĐ từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho NHCSXH. Thứ ba, các đối tượng còn lại: được vay bằng 80% chi phí đi XKLĐ theo các nội dung vay vốn hỗ trợ XKLĐ từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho NHCSXH. Điều kiện vay vốn: NLĐ phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Khánh Hòa với thời gian từ đủ 5 năm trở lên tính đến thời điểm vay vốn đi XKLĐ.


Lãi suất vay dành cho các đối tượng trên bằng mức lãi suất cho vay hiện hành của NHCSXH Việt Nam áp dụng cho người đi XKLĐ. Nguồn kinh phí cho vay vốn hỗ trợ XKLĐ được bố trí từ ngân sách tỉnh hàng năm. Hình thức vay tín chấp do UBND xã, phường bảo lãnh cho NLĐ có hộ khẩu thường trú tại địa phương.


- Xin cảm ơn ông!


N.T (thực hiện)

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------



Học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số học trung cấp nghề sẽ được hỗ trợ 840.000 đồng/tháng


Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét việc bổ sung đối tượng học sinh (HS) là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo học tại các trường trung cấp nghề (TCN) cũng được hưởng chế độ hỗ trợ như HS DTTS theo học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết:


Theo quy định tại Nghị quyết số 17/2012 của HĐND tỉnh về một số chế độ học bổng và khen thưởng HS, sinh viên thì chỉ có đối tượng HS, sinh viên là con em đồng bào DTTS ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã miền núi, thôn miền núi thuộc huyện đồng bằng đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, TCCN được hưởng hỗ trợ. Trong khi đó, cũng là đối tượng này, nhưng khi học ở các trường TCN không được hưởng chế độ hỗ trợ này.


Để đảm bảo tính công bằng giữa các HS DTTS những ngành nghề khác nhau và khuyến khích các em học nhiều nghề thì rất cần thiết phải bổ sung đối tượng HS DTTS đang theo học tại các trường TCN được hưởng chế độ hỗ trợ như HS học tại các trường TCCN. Cụ thể, kỳ họp HĐND tỉnh lần này cần xem xét để các em được hưởng chế độ hỗ trợ ở mức 840.000 đồng/HS/tháng, thời gian hưởng 10 tháng/năm (trừ các tháng nghỉ hè).


- Có bao nhiêu HS DTTS đang theo học tại các trường TCN sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ như trên, thưa ông?


- Hiện nay, có 165 HS DTTS trên địa bàn tỉnh đang theo học tại các trường TCN. Các em đang hưởng chế độ hỗ trợ cho HS học nghề với mức hỗ trợ 500.000 đồng/học viên/tháng, thời gian hưởng 10 tháng/năm.


Nếu các em này được hưởng chế độ hỗ trợ như HS học tại trường TCCN thì hàng tháng mỗi em sẽ có thêm 340.000 đồng. Tổng số tiền ngân sách Nhà nước phải bổ sung thêm khoảng 561 triệu đồng/năm học. Chế độ hỗ trợ này sẽ góp phần khuyến khích HS DTTS tham gia học nghề.


- Xin cảm ơn ông!


THỦY BA (Thực hiện)  

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------



Thu phí xả nước thải theo đúng quy định của Bộ Tài chính


Tại kỳ họp này, các đại biểu đã xem xét đến việc tăng mức thu lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi cho phù hợp với Thông tư số 02 ngày 2-1-2014 của Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Ngô - Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho biết:


- Trước đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/2003 về lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và Nghị quyết số 25/2007 về lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Theo Thông tư số 02 ngày 2-1-2014 của Bộ Tài chính, hai loại lệ phí trên thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh. Vì vậy, để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thay thế các nghị quyết đã ban hành trước đó.


Đối tượng thu lệ phí là các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật. Đơn vị thu lệ phí là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức thu lệ phí đối với trường hợp cấp giấy phép lần đầu 150.000 đồng/giấy phép; đối với trường hợp gia hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép 75.000 đồng/giấy phép. Mức thu này bằng mức thu quy định tại Thông tư số 02 của Bộ Tài chính.


- Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Lệ phí cấp giấy phép xả nước thải là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước. Cơ quan thu phí được để lại 20% số tiền thu được để trang trải, phục vụ cho công tác thu lệ phí theo quy định, 80% còn lại nộp ngân sách Nhà nước. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phải có chứng từ cụ thể, rõ ràng, công khai.


- Xin cảm ơn ông!


G.Đ (Thực hiện)