06:07, 21/07/2015

Một số điểm mới cơ bản của Luật Thi hành án dân sự

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Những điểm được sửa đổi khắc phục những thiếu sót, vướng mắc trong thực tiễn… 

Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Những điểm được sửa đổi khắc phục những thiếu sót, vướng mắc trong thực tiễn… 
 
Nhìn chung, những nội dung được sửa đổi đều nhằm đến việc nâng cao hiệu quả công tác THADS. Nó bảo đảm quyền của người thi hành án, mở rộng quyền và trách nhiệm của Chấp hành viên, đồng thời siết chặt những kẽ hở mà người phải thi hành án thường sử dụng để trốn tránh thi hành án.
 
Về cụ thể, quyền, nghĩa vụ của đương sự trong THADS được luật quy định rõ hơn. Đặc biệt, luật cho đương sự quyền được yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Luật đã sửa đổi một cách căn bản quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án liên quan đến việc xác minh điều kiện thi hành án. Theo đó, luật đã bỏ nghĩa vụ của người được thi hành án trong việc phải chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, kéo theo bỏ nghĩa vụ phải nộp chi phí xác minh. Không những thế, luật cho phép người được thi hành án tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp cho cơ quan thi hành án thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
 
Để điều chỉnh việc người phải thi hành án trốn tránh trách nhiệm, luật cho phép người được thi hành án yêu cầu tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án. Đây là quyền quan trọng để tạo cơ hội cho người được thi hành án bảo vệ kịp thời và đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp mà bản án, quyết định đã ghi nhận. 
 
Luật quy định người phải thi hành án có nghĩa vụ kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó. Đây là quy định mới, vừa khuyến khích sự tự nguyện thi hành án, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, ràng buộc trách nhiệm của người phải thi hành án đối với nghĩa vụ thi hành án, vừa giảm tải trách nhiệm của Chấp hành viên, chi phí của Nhà nước, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người được thi hành án. 
 
Thời hạn tự nguyện thi hành án đã được rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án theo hướng cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho người được thi hành án.
 
Về chi phí cưỡng chế thi hành án, luật quy định theo hướng người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án mà sẽ do ngân sách Nhà nước trả. Về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án, luật đổi tên điều luật từ “Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung” thành “Xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án”. Theo đó, nếu bên phải thi hành án tìm cách chây ỳ thì luật cho phép người được thi hành án yêu cầu tòa án giải quyết để làm cơ sở thi hành án. Đây là điểm rất mới và có lợi cho người được thi hành án. Nếu có người tranh chấp tài sản của người phải thi hành án, luật cho phép họ yêu cầu tòa án giải quyết, trong trường hợp họ không yêu cầu tòa án giải quyết thì Chấp hành viên có quyền xử lý tài sản để thi hành án.  
 
Luật bổ sung quy định, trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó. Nếu họ không làm thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
 
Luật cũng bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án theo hướng: Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. 
 
Lê Minh