Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 23-10-1945, được sự chi viện của bộ đội Nam tiến, quân và dân Khánh Hòa nổ súng tấn công một số mục tiêu then chốt của địch. Suốt 101 ngày đêm bao vây quân Pháp ở mặt trận Nha Trang, lực lượng Công an Khánh Hòa đã tham gia tích cực, bắt diệt được 2 tên mật thám Nguyễn An Ninh, Đỗ Hy Sinh; ....
Mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 23-10-1945, được sự chi viện của bộ đội Nam tiến, quân và dân Khánh Hòa nổ súng tấn công một số mục tiêu then chốt của địch. Suốt 101 ngày đêm bao vây quân Pháp ở mặt trận Nha Trang, lực lượng Công an Khánh Hòa đã tham gia tích cực, bắt diệt được 2 tên mật thám Nguyễn An Ninh, Đỗ Hy Sinh; 2 tên chỉ điểm nguy hiểm là Năm Nhỏ và Nguyễn Thị Kim bị đưa về Diên Khánh xử tử. Lực lượng Công an Khánh Hòa có nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh oanh liệt như các đồng chí: Đặng Ca Nô, Bùi Trọng Hối... Trong những ngày này, để giữ vững tuyến liên lạc Bắc - Nam, Ty Trinh sát cử 2 tổ chốt giữ tại khu vực Ga Lương Sơn - cửa ngõ phía bắc và Ga Suối Dầu - cửa ngõ phía nam vào Nha Trang. Bộ phận trinh sát bám trụ trong thị xã bí mật, dũng cảm len lỏi qua các khu vực địch đóng quân, nắm tình hình, phục vụ đắc lực cho Ban chỉ huy mặt trận Nha Trang.
Tháng 12-1945, một tổ 3 người do đồng chí Bửu Đóa phụ trách đột nhập sân bay Nha Trang, đốt cháy 2 máy bay và hơn 5.000 lít xăng, phá các cơ sở kinh tế, hậu cần trọng điểm của địch như: Nhà đèn, Nhà thương quân đội, kho xăng Cầu Đá... Âm mưu của thực dân Pháp nhanh chóng mở rộng chiếm đóng các tỉnh Nam Trung Bộ đã bị chặn đứng tại Khánh Hòa mà trực tiếp là mặt trận Nha Trang. Trong suốt 101 ngày đêm bao vây quân Pháp, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Khánh Hòa đã chiến đấu anh dũng với hàng ngàn quân xâm lược nhà nghề đủ loại của địch. Trong thắng lợi chung đó có phần đóng góp đáng kể của lực lượng Công an Khánh Hòa vừa mới ra đời.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội được tiến hành trên khắp cả nước. Ở Khánh Hòa, cuộc bầu cử diễn ra trong lúc chiến sự tại Nha Trang đang hết sức quyết liệt. Ty Cảnh sát tập trung lực lượng tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và chính quyền cách mạng, vận động nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời vạch trần âm mưu phá hoại cuộc bầu cử của các phần tử xấu.
Tháng 5-1946, Ty Công an chia làm 2 bộ phận: một bộ phận ở căn cứ Hòn Hèo (Ninh Hòa) làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ căn cứ, bảo vệ các cơ quan đầu não và bảo vệ đường dây liên lạc giữa căn cứ với phủ, huyện; một bộ phận tại Bãi Trũ (Nha Trang) làm công tác diệt tề trừ gian, đánh phá các cơ sở kinh tế của địch, xây dựng cơ sở nội tuyến, tổ chức các trạm và đường dây liên lạc. Ngày 18-7-1946, đồng chí Bửu Đóa - Đội trưởng Công an xung phong đã dũng cảm đột nhập, diệt tên Vương Gia Ngại tại nhà riêng của y ở Kim Bồng (Ngọc Hiệp - Nha Trang). Tên Ngại bị tiêu diệt, tổ chức “Dân chủ đoàn” và “Việt Nam ái quốc” của địch bị tan rã.
Từ tháng 1 đến tháng 6-1947, các tổ đội Công an xung phong tiên tiếp tổ chức các trận đánh táo bạo tại Nha Trang và các huyện lỵ. Từ tháng 7 đến tháng 12-1947, cùng với quân dân trong tỉnh, Công an xung phong đã lập nhiều thành tích trong hoạt động Thu Đông 1947, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tháng 7-1948, chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy “Tiến về làng” kháng chiến ở hương thôn theo phương châm “Tin vào dân, dựa vào dân”, lực lượng vũ trang tỉnh đã đánh mạnh vào các căn cứ quân sự ở khắp các vùng nông thôn và nội thị, quần chúng nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào cách mạng. Từ tháng 2 đến tháng 5-1949, Công an Khánh Hòa phối hợp với các lực lượng làm tốt công tác xác minh nhân sự và bảo vệ an toàn hội nghị các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Năm 1950, lực lượng vũ trang tỉnh đẩy mạnh công tác diệt ác, trừ gian, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “Tiến về làng”.
Từ năm 1951, để nâng cao uy thế của cách mạng và phát động quần chúng, Ty Công an Khánh Hòa đã chủ động mở nhiều phiên tòa lưu động tại căn cứ và các huyện, xét xử một số tên ác ôn, chỉ điểm có nhiều tội ác. Năm 1952, lực lượng Công an củng cố các trạm và đường dây liên lạc từ nội thành Nha Trang đi các tuyến và đưa đón cán bộ về nội thị hoạt động. Đầu năm 1953, chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, lực lượng Công an cung cấp tin tức tình hình mọi mặt của địch, phục vụ cho chỉ đạo chiến dịch, đẩy mạnh các hoạt động tại cơ sở, phá tề, trừ gian, chuẩn bị sẵn các phương án chiến đấu của lực lượng. Mở đầu chiến dịch, Công an các huyện đã bắt một số tên Việt gian ác ôn khét tiếng. Lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng vũ trang chống cuộc càn trong chiến dịch Át-lăng của địch, vận động hàng trăm chị em gia đình binh sĩ đấu tranh, không để chồng con đi làm bia đỡ đạn cho giặc. Đến tháng 6-1954, lực lượng Công an cùng quân và dân trong tỉnh phối hợp với các chiến trường đã lập nên nhiều chiến công hiển hách. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, lực lượng Công an Khánh Hòa cùng với nhân dân trong tỉnh chuyển sang thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng.
H.Y (Theo tài liệu của Công an tỉnh Khánh Hòa)