30 năm sau ngày tái lập (2-8-1985 - 2-8-2015), huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã có những bước đổi thay khá mạnh mẽ và toàn diện…
30 năm sau ngày tái lập (2-8-1985 - 2-8-2015), huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã có những bước đổi thay khá mạnh mẽ và toàn diện…
Một thời gian khó
Ông Trần Được - nông dân xã Khánh Nam, quê xã Diên An (huyện Diên Khánh) nhớ lại, ông lên khai hoang ở Khánh Vĩnh từ những ngày vừa giải phóng; lúc này, nơi đây chỉ toàn là rừng, đi lại rất khó khăn. Đất đai bạt ngàn, việc làm rẫy khá thuận lợi, nhưng trồng cây lương thực vẫn là chính. Được một thời gian, ông cải tạo 3ha đất ven sông khu vực Khánh Nam đưa vào làm vườn với các cây trồng chủ lực như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, mít nghệ... Thu nhập từ vườn đã đem lại cuộc sống ổn định cho gia đình ông với khoảng 120 triệu đồng/năm. “Ngày mới lên Khánh Vĩnh, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Còn giờ đây, xe máy, xe tải chạy vào tận rẫy, cần cái gì có cái đó...” - ông Được nói.
Một góc thị trấn Khánh Vĩnh |
Nhớ lại ngày đầu tăng cường cán bộ cho miền núi, ông Lê Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh không khỏi bồi hồi: “Hàng ngày, đi từ huyện Diên Khánh lên không có xe đạp và xe máy, anh em phải theo xe Renault chạy bằng than chậm rì, hay đi nhờ xe U-oat của huyện, cả chục người cùng một xe. Các cơ quan chính quyền đang xây dựng nên nhà cửa, văn phòng làm việc tuềnh toàng, hầu hết là nhà tranh, vách lá mượn tạm của dân. Thế nhưng, ai nấy đều hăng hái, không ngại khó, ngại khổ...”.
Khánh Vĩnh đăng cai Đại hội các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2012 |
Những bước tiến khá toàn diện
Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: 30 năm qua, địa phương đã có bước đổi thay đáng kể; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông, lâm nghiệp - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện vẫn còn nhiều thách thức như: giảm nghèo chưa bền vững; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa tương xứng tiềm năng; trình độ dân trí, đào tạo nghề của đồng bào còn thấp… Thời gian tới, huyện sẽ đề ra nhiều giải pháp để thực hiện theo đúng định hướng cơ cấu kinh tế; quan tâm công tác tổ chức, quy hoạch cán bộ, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.. |
Huyện Khánh Vĩnh ngày nay đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sau 30 năm. Lãnh đạo huyện nhìn nhận, kinh tế - xã hội của huyện phát triển không ngừng. Ngày trước, các lĩnh vực đều sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp lạc hậu, giá trị tổng sản lượng không lớn. Bên cạnh đó, hệ thống chợ, trung tâm thương mại chưa hình thành; thu ngân sách hàng năm đạt thấp. Còn hiện nay, toàn huyện có hơn 1.100ha ruộng lúa nước, tổng sản lượng lương thực hàng năm đạt gần 6.000 tấn. Ngoài lúa nước còn có bắp, mì, mía... đã góp phần ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 8,31%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần tương ứng với sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng hàng năm 10%, riêng năm 2014 đạt 92,3 tỷ đồng. Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện đi vào hoạt động, hệ thống chợ bắt đầu phát triển... đã mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tổng thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra với mức tăng bình quân 29%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm...
Điểm nhấn của huyện trong những năm qua phải kể đến hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư. Cụ thể như: cầu treo qua sông suối; đường đi vào các khu sản xuất; giao thông ở thị trấn Khánh Vĩnh và các trung tâm cụm xã. Đến năm 2014, toàn huyện có gần 245km đường giao thông do huyện, xã quản lý, trong đó có gần 170km đường kiên cố bê tông và thâm nhập nhựa. Khánh Vĩnh đã phá thế cô lập trong giao thông nhờ tỉnh đầu tư tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng, tạo diện mạo mới cho huyện miền núi, kết nối với TP. Đà Lạt - Lâm Đồng. Nhờ đó, đã tạo sức bật để huyện phát triển kinh tế và giao thương. Hệ thống điện lưới quốc gia phủ khắp 14 xã, thị trấn với số hộ dùng điện đạt gần 97%. Từ nhiều nguồn vốn, huyện cũng đã xây dựng các hệ thống cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt. Số hộ sử dụng nước sạch đạt hơn 75%, loại bỏ tình trạng thiếu nước hay sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh, đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường...
Ngày 2-8-1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 189 tái thành lập huyện Khánh Vĩnh trên cơ sở tách ra từ huyện Diên Khánh, gồm 6 đơn vị hành chính cấp xã (Khánh Bình, Khánh Lê, Khánh Minh, Khánh Thành, Khánh Phú và Khánh Thượng) với diện tích 900km2, dân số khoảng 22.000 người. Đến nay, huyện Khánh Vĩnh có 14 đơn vị hành chính cấp xã; dân số hơn 37.000 người, trong đó 71,8% là đồng bào dân tộc thiểu số… |
Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Hiện nay, Khánh Vĩnh có 40 trường và 14 trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Sự nghiệp giáo dục của huyện đã có những chuyển biến căn bản về số lượng lẫn chất lượng. Số học sinh ra lớp, lên lớp, đỗ tốt nghiệp, học lực khá, giỏi hàng năm không ngừng tăng lên, chất lượng dạy và học có chuyển biến tích cực. Tính đến nay, huyện đã xây dựng được 45 làng, tổ dân phố văn hóa; 85% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Các lễ hội truyền thống như: lễ hội già làng; cồng chiêng; đền ơn đáp nghĩa và giao lưu văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số được tổ chức trang trọng. Toàn huyện đã hoàn thành chương trình phủ sóng phát thanh và truyền hình, xây dựng và tiếp phát chương trình phát thanh bằng tiếng Raglai. Hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác khám, chữa bệnh có những tiến bộ rõ rệt. Bệnh viện huyện, phòng khám, trạm y tế hầu hết được xây mới, trang bị đầy đủ thiết bị vật tư y tế. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, xóa nghèo, an sinh xã hội luôn được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 42,9% (năm 2010) xuống còn 13,8%. Từ khi có chính sách xây dựng nhà định canh định cư, toàn huyện đã xây dựng gần 4.200 nhà cho các đối tượng chính sách và hộ nghèo. Mỗi năm, huyện giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động...
Có được những thành quả trên là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Khánh Vĩnh trong suốt 30 năm qua.
Tập trung khai thác tiềm năng
Để phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, huyện Khánh Vĩnh đề ra các giải pháp như: Tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương, thu hút đầu tư, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống; phát huy dân chủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh...
PHÚ LÂM