Việc tranh thủ sự ủng hộ của các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi đã được thực hiện lâu nay, nhưng để nâng cao hiệu quả từ những thành tựu hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm.
Việc tranh thủ sự ủng hộ của các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi đã được thực hiện lâu nay, nhưng để nâng cao hiệu quả từ những thành tựu hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều việc phải làm.
Tranh thủ các nguồn lực để phát triển
Tại hội thảo xây dựng chương trình chiến lược hội nhập quốc tế về công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được tổ chức tại Nha Trang, các đại biểu có dịp nhìn lại chặng đường gần 10 năm (2005 - 2014) hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc ở nước ta.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Sơn chăm sóc cây cà phê |
Theo Thứ trưởng Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: “Khái niệm hội nhập quốc tế của công tác dân tộc nghe có vẻ mới, nhưng thực tế, chúng ta đã triển khai từ nhiều năm nay. Đó chính là việc tranh thủ các nguồn lực về kinh tế, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, giáo dục... để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi trên toàn quốc”.
Với đặc điểm của một quốc gia có 3/4 diện tích là vùng miền núi - nơi sinh sống của 53 DTTS với tổng dân số hơn 12,25 triệu người, công tác dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Trong xu hướng hội nhập quốc tế, công tác dân tộc đã thông qua việc hợp tác và liên kết với các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tín dụng song phương, đa phương, các tổ chức phi chính phủ để mang lại những kết quả tích cực. Các quốc gia như: Phần Lan, Úc, Đức, Pháp, Ai Len, Ấn Độ...; những tổ chức như: Ngân hàng Thế giới, Cơ quan hợp tác phát triển Úc, Quỹ nông nghiệp Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu... đều đã có sự hợp tác, hỗ trợ phát triển vùng DTTS miền núi ở nước ta. Nhiều chương trình, chính sách về công tác dân tộc như: Chương trình 135, 134, Nghị quyết 30A, chính sách hỗ trợ nhà ở... nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ quốc tế để giải quyết những vấn đề khó khăn, tạo đà phát triển cho vùng dân tộc miền núi.
Ngoài ra, qua việc hội nhập quốc tế, thị trường du lịch và sản xuất tiểu thủ công nghiệp vùng miền núi DTTS đã tham gia sâu hơn với thị trường thế giới. “Việc hội nhập đã giúp đồng bào có tầm nhìn xa hơn, hiểu biết rộng hơn trong xây dựng, phát triển kinh tế gia đình nói riêng và với quê hương bản làng nói chung. Thậm chí, có nhiều nơi đồng bào DTTS đã chủ động tham gia xuất khẩu lao động để có thu nhập cao hơn, tác phong làm việc hiện đại hơn...”, bà H’Ngăm Niê KĐăm - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá.
Tuy nhiên, việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc vẫn còn những hạn chế do chưa có định hướng, chiến lược cụ thể và đồng bộ. Những người làm công tác dân tộc chưa chủ động tham gia với các bộ, ngành để cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi của các nhóm DTTS. Hoạt động công tác dân tộc vẫn chưa có tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu kinh tế, chính trị, ngoại giao trong tiến trình hội nhập quốc tế...
Thực tế ở Khánh Hòa
Tỉnh Khánh Hòa có 32 DTTS sinh sống với khoảng 66.000 người, chủ yếu ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Theo ông Lê Quang Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Công tác dân tộc ở Khánh Hòa đã từng bước chuyển dần từ việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp, mang tính thụ động sang chính sách đầu tư ưu tiên hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó thể hiện xu hướng ngày càng hội nhập sâu hơn với các cộng đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng”.
Trước năm 2005, việc thực hiện các chính sách dân tộc chủ yếu là hỗ trợ đời sống người dân theo cách cho, tặng không như: trợ giá, trợ cước, cấp không thu tiền một số mặt hàng thiết yếu... Đến nay, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã mang tính chất hỗ trợ phát triển, trong đó chú trọng đến sự huy động, đóng góp của người dân. Cụ thể, các chính sách hỗ trợ như: xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ cho đồng bào DTTS; cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động người DTTS... Về đối tượng hỗ trợ cũng tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo người DTTS, qua đó tạo động lực để giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc hội nhập quốc tế đã mang đến những thành tựu phát triển công nghệ, giúp người dân làm quen với phương thức, kiến thức sản xuất mới, tiếp cận với những công cụ sản xuất hiện đại, dần xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu. Từ đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, chăm sóc y tế, giáo dục tốt hơn cho người dân vùng DTTS. “Hội nhập quốc tế không chỉ mang đến những nguồn tài trợ từ nước ngoài đầu tư trên địa bàn tỉnh, mà còn góp phần làm chuyển biến tư duy trong việc triển khai các nhiệm vụ của công tác dân tộc” - ông Lê Quang Ngọc nhìn nhận.
Trên thực tế, vấn đề hội nhập quốc tế về công tác dân tộc ở tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: với xuất phát điểm thấp, đồng bào DTTS khó tiếp thu những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật; trình độ dân trí, tổ chức sản xuất của vùng DTTS vẫn còn thấp; bản sắc văn hóa dân tộc dễ bị tổn thương bởi các yếu tố văn hóa ngoại lai...
N.T