05:07, 22/07/2015

Quyết tâm xây dựng Vạn Ninh thành thị xã

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015, kinh tế của huyện có bước phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch...

. Ông Hồ Văn Mừng - Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa
 

- Thưa ông, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Vạn Ninh đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội?

 

- Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 - 2015, kinh tế của huyện có bước phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 8,4%/năm, riêng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 11,56%/năm. Các ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng và hoạt động du lịch phát triển nhanh cả về quy mô và ngành nghề đã góp phần không nhỏ phục vụ các nhu cầu của nhân dân. Giá trị ngành dịch vụ - du lịch đến năm 2015 ước đạt 358,8 tỷ đồng, tăng 173,6 tỷ đồng so với năm 2010, tăng bình quân 14%/năm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1.351 tỷ đồng, tăng bình quân 5,23%/năm. Sản lượng lương thực hàng năm đạt hơn 53.400 tấn; sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản tăng bình quân 10,96%/năm. 

 

Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư 531,6 tỷ đồng xây dựng 19 dự án phát triển đô thị; quan tâm kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án ngoài ngân sách Nhà nước. Từ đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, từng bước đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa huyện. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã đầu tư 94 tỷ đồng xây dựng 93 công trình, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh 67 tỷ đồng, ngân sách huyện và xã 10 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được nâng lên. Đến cuối năm 2015, huyện phấn đấu xây dựng xã Vạn Lương đạt chuẩn nông thôn mới. 

 
Cùng với đó, huyện luôn coi trọng lĩnh vực văn hóa - xã hội. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư xây dựng nên đến nay, toàn huyện có 15 trường đạt chuẩn quốc gia; duy trì, giữ vững và nâng cao kết quả đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thường xuyên. Hệ thống y tế từ huyện đến xã ngày càng được củng cố và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hàng năm, huyện có hơn 71% dân số tham gia bảo hiểm y tế; có 90,9% gia đình văn hóa; 88% thôn, tổ dân phố văn hóa. Ngoài ra, huyện còn triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 4,6%; giải quyết việc làm cho hơn 13.500 lao động... Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
 
 
- Bên cạnh việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ còn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng. Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác này? 
 

- Công tác chính trị, tư tưởng được Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm, đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, theo hướng bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin và định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp. Việc triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từng bước đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, trở thành sinh hoạt chính trị thường xuyên của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Các hoạt động đều gắn với kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Từ đó, cán bộ, đảng viên trong huyện có tác phong làm việc sâu sát cơ sở, gần gũi, lắng nghe, tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết những búc xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. 

 

Một góc thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh
Một góc thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh

 

Công tác xóa “vùng trắng” đảng viên và tổ chức đảng được đẩy mạnh, đã khắc phục tình trạng chi bộ “ghép” ở thôn, tổ dân phố và các đơn vị trực thuộc cơ sở. Hiện nay, 100% thôn, tổ dân phố có chi bộ; 100% trường học có chi bộ; 10/13 trạm y tế có chi bộ (3 trạm y tế còn lại có đảng viên). Đến nay, Đảng bộ huyện có 40 tổ chức cơ sở đảng, 206 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Bình quân hàng năm có 81,72% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên có nhiều tiến bộ, chú trọng về số lượng và bảo đảm chất lượng. Nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ đã kết nạp 631 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 2.290 đồng chí...
 
- Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện phấn đấu lãnh đạo xây dựng huyện Vạn Ninh trở thành thị xã. Vậy, Đảng bộ huyện sẽ tập trung những giải pháp gì để thực hiện thắng lợi nội dung này, thưa ông?
 
 
- Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế theo cơ cấu: công nghiệp - xây dựng; dịch vụ - du lịch; nông, lâm nghiệp và thủy sản; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị trong sản xuất và mang tính ổn định, bền vững. Đồng thời phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ngành nghề có quy mô phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho người lao động địa phương. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, kiềm chế, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. 
 
Để đạt mục tiêu đó, Đảng bộ huyện xác định những giải pháp chủ yếu là: Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực của địa phương. Phát triển mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên phát triển ngành chế biến sản phẩm từ đá sau khai thác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện, nhất là khu vực Đại Lãnh - Vân Phong. Mặt khác, thực hiện chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nhất là hình thành các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Chú trọng phát triển về quy mô, chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội. Tăng cường chăm sóc người có công, công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ưu tiên đầu tư phát triển đô thị Vạn Giã trở thành đô thị hạt nhân của huyện, chỉnh trang đô thị Đại Lãnh gắn với phát triển dịch vụ - du lịch. Tập trung mọi nguồn lực để chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, đưa tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế của huyện đạt từ 75% trở lên. Hỗ trợ phát triển các ngành nghề kinh tế tư nhân, tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị đạt từ 75% trở lên so với tổng số lao động... 
 
- Xin cảm ơn ông!
 
VĂN GIANG (Thực hiện) 
 
 

 

Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020
 
Về kinh tế: Thu ngân sách đạt 78 tỷ đồng, tăng bình quân 7%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 20 - 21%/năm; dịch vụ, du lịch tăng 11%/năm; sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 5%/năm; có 5/11 xã đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
 
Về văn hóa - xã hội: Đến năm 2020, 100% trường THCS, 50% trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 90% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, 88% giáo viên THCS, hơn 16% giáo viên THPT đạt trình độ đào tạo trên chuẩn. Giải quyết việc làm hàng năm hơn 1.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất 2%/năm. 
 
Về đô thị hóa: Tỷ lệ dân số đô thị đến năm 2020 chiếm 50%; nâng cấp quản lý toàn huyện Vạn Ninh thành thị xã.
 
Về môi trường: Đến năm 2020 có hơn 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; có 95% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 40%.
 
Về quốc phòng - an ninh: 100% xã, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh, trong đó có 85% vững mạnh toàn diện.
 
Về xây dựng Đảng: Phát triển 550 - 600 đảng viên mới, trong đó có 60% đảng viên là đoàn viên, thanh niên; hàng năm có 50% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, 80% trở lên đảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh.