Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa
(Ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa)
- Xin ông cho biết đôi nét về diện mạo của huyện Khánh Sơn cách đây 30 năm?
- Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khánh Sơn là địa phương đi đầu trong đồng khởi tự giải phóng mình. Qua các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, Khánh Sơn đã nhiều lần tách nhập huyện. Đến ngày 27-6-1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành quyết định tách huyện Cam Ranh thành hai huyện Cam Ranh và Khánh Sơn. Từ đó đến nay, huyện Khánh Sơn có 8 đơn vị hành chính, thị trấn Tô Hạp là trung tâm huyện lỵ.
Những năm đầu mới tái lập huyện, Khánh Sơn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có gì, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, tự cung, tự cấp, tình trạng thiếu đói liên tục xảy ra, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vô cùng khó khăn. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Có thể nói, Khánh Sơn bắt tay xây dựng phát triển kinh tế - xã hội với xuất phát điểm thấp. Đó là cái “dốc” lớn mà Đảng bộ, quân và dân Khánh Sơn phải vượt qua.
Giai đoạn 1985 - 2000, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân và sản xuất chưa được đầu tư xây dựng. Kinh tế nông nghiệp chủ yếu là trồng mì, bắp với diện tích, quy mô nhỏ. Thời đó, huyện chỉ có duy nhất tuyến Tỉnh lộ 9 nhưng bị chia cắt bởi địa hình miền núi và hệ thống sông suối chảy qua. Cơ sở vật chất cho giáo dục đào tạo thiếu thốn, đa số các phòng học đều tạm bợ, mái tranh vách nứa, đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn. Đồng bào Khánh Sơn thường xuyên đối mặt với dịch sốt rét ác tính, chỉ tính riêng năm 1993, đã có 12 người tử vong vì dịch bệnh này.
- Khánh Sơn đã làm gì để từng bước đi lên, thưa ông?
- Huyện đã xác định sản xuất nông nghiệp là ngành chủ lực. Từ đó đưa ra nhiệm vụ mở rộng khai hoang, phục hóa tăng diện tích canh tác, phát động chiến dịch trồng mì, trồng cây lương thực ngắn ngày để tăng thêm nguồn lương thực nhằm khắc phục tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt. Một số công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng ở các xã Sơn Trung, Thành Sơn, Sơn Bình như: Đập Đầu Bò thượng, đập Gia Nó, đập Cô Lắc và kiên cố hóa được hơn 2.000m kênh mương phục vụ tưới tiêu. Giai đoạn 2001 - 2015, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có những bước tiến vượt bậc. Nhiều chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn đã được triển khai. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Sản lượng lương thực có hạt tăng từ 4.194 tấn (năm 2005) lên 5.993 tấn (năm 2014). Có thể nói, sản xuất nông nghiệp của huyện đã phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng hiệu quả, gắn với thị trường.
Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho việc phát triển đều ở các ngành và góp phần ổn định đời sống nhân dân; thực hiện tốt công tác định canh định cư, giữ vững an ninh quốc phòng. Nhiều công trình phúc lợi công cộng được đầu tư xây dựng phục vụ nhân dân. Hệ thống trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, điểm bưu điện văn hóa, các tuyến đường liên thôn, liên xóm, đường vào khu sản xuất được bê tông hóa. Đặc biệt, hệ thống nước sinh hoạt, mạng lưới điện quốc gia được đưa đến tận hộ dân với tỷ lệ hộ dân được sử dụng hơn 95%. Sự nghiệp giáo dục của huyện được quan tâm phát triển cả về quy mô lẫn cơ sở vật chất. Trẻ em trong độ tuổi ra lớp hàng năm đạt tỷ lệ cao và tăng dần theo từng năm, đến nay đã đạt trên 98%. Đội ngũ y, bác sĩ ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai được quan tâm bảo tồn, phát huy có hiệu quả. Lễ bỏ mả của đồng bào đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Toàn huyện có 4 nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian.
- Để Khánh Sơn tiếp tục phát triển, thời gian tới, huyện tập trung những nhiệm vụ gì, thưa ông?
- Phát huy những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua, huyện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo để huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân. Triển khai xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, khuyến khích nông dân đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, mở rộng chăn nuôi, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả. Cùng với đó, đẩy mạnh tiến độ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về vốn, đất đai để nông dân phát triển sản xuất; tập trung khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của người dân địa phương và các sản phẩm phục vụ nhu cầu phát triển du lịch.
Mặt khác, huyện tập trung thực hiện tốt các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả công tác dân số, gia đình và trẻ em, chính sách đối với người có công; phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng ngành Y tế đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu và sưu tầm, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Raglai trên địa bàn; tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.
- Xin cảm ơn ông!
N.T (Thực hiện)