Việc triển khai Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016 tại xã điểm Cam Hải Đông không chỉ mang lại hiệu quả cho xã mà còn lan tỏa ra một số địa phương khác trong huyện.
Việc triển khai Đề án Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016 tại xã điểm Cam Hải Đông không chỉ mang lại hiệu quả cho xã mà còn lan tỏa ra một số địa phương khác trong huyện.
Triển khai đồng bộ
Thượng tá Vũ Văn Thân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cam Hải Đông cho biết, đồn được phân công quản lý khu vực biên giới biển 4 xã, thị trấn của huyện Cam Lâm gồm: Cam Đức, Cam Hải Đông, Cam Hải Tây và Cam Thành Bắc với gần 10.000 hộ dân thuộc 4 dân tộc: Kinh, Ê đê, Raglai, Khơ me. Đây là địa bàn dân cư có nhận thức pháp luật không đều, đa số chấp hành pháp luật tốt, nhưng vẫn còn một số hộ dân tự ý cơi nới, xây dựng nhà ở trái phép nhằm được hỗ trợ, đền bù, tái định cư. Số hộ khác lại sử dụng lờ dây, nghề đáy khai thác thủy sản trên đầm Thủy Triều, vi phạm vùng cấm đánh bắt...
Một số tập thể, cá nhân của huyện Cam Lâm được UBND tỉnh khen thưởng |
Đồn đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức hội nghị tập huấn triển khai đề án cho 88 cán bộ chủ chốt. Đồng thời tổ chức buổi tuyên truyền tập trung về biển đảo cho khoảng 250 người tại 4 địa phương trên và tuyên truyền văn bản pháp luật cho hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Các địa phương này cũng đã chủ động tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013 và một số văn bản pháp luật gần gũi với đời sống người dân. Hệ thống truyền thanh PBGDPL được duy trì đều đặn vào thứ hai, thứ sáu tại đồn và 4 địa phương. Nhiều hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết đơn thư được thực hiện thông qua các câu lạc bộ (CLB) pháp luật hoặc lồng ghép qua các buổi sinh hoạt tập trung.
Tại xã điểm Cam Hải Đông, đồn củng cố, kiện toàn tổ giáo viên pháp luật và thành lập tổ tuyên truyền văn hóa, thường xuyên phối hợp với các đơn vị kết nghĩa giao lưu tuyên truyền, cổ động. Đồn cũng tham mưu xã củng cố, kiện toàn các CLB (Pháp luật, Trợ giúp pháp lý, Nông dân với pháp luật), tổ hòa giải ở cơ sở và phối hợp thành lập tổ thực hiện đề án. Từ các bước điều tra cơ bản nhằm nắm tình hình nhận thức pháp luật của nhân dân, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, biên soạn được 21 giáo án, đề cương PBGDPL, phát hành 250 tài liệu tuyên truyền phù hợp. Đồng thời tổ chức buổi tuyên truyền dưới hình thức sân khấu hóa cho khoảng 250 người xem. Tủ sách pháp luật được duy trì thường xuyên tại đồn và xã, với nhiều đầu sách pháp luật mới bổ sung.
Chuyển biến về nhận thức
Theo ông Lê Văn Kha - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông, từ khi triển khai đề án, người dân được tuyên truyền, PBGDPL đi đôi với tư vấn pháp luật, hướng nghiệp để chuyển đổi nghề phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Xã cùng Trung tâm Tư vấn pháp luật - hướng nghiệp làm việc với các dự án du lịch trên địa bàn để nắm bắt thông tin tuyển dụng, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hơn 200 học viên. Hơn 460 học sinh được tư vấn lựa chọn ngành nghề phù hợp. UBND xã phối hợp với CLB Nông dân với pháp luật, CLB Trợ giúp pháp lý tổ chức tuyên truyền, PBGDPL cho 630 người dân. Các CLB còn phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tư vấn pháp luật cho hơn 60 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và 42 hộ dân khác. Nhờ đó, đã có 15 trường hợp hòa giải thành, 21 công trình xây dựng trái phép tự nguyện tháo dỡ; gần 1.500 người có việc làm ổn định, trong đó có 320 người làm việc tại các dự án du lịch; số đơn thư khiếu nại vượt cấp giảm, người dân chấp hành pháp luật tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng thôn Bắc Vĩnh (xã Cam Hải Tây) cho biết, ở thôn có một số bà con dùng lờ dây đánh bắt thủy sản ở đầm Thủy Triều. Nhưng ban vận động thôn đã tới từng nhà tuyên truyền, PBGDPL, vận động người dân chuyển đổi nghề. Mưa dầm thấm lâu, sau chừng 1 năm, từ chỗ cả thôn có hơn 40 ghe dùng lờ dây, nay chỉ còn gần chục ghe. Đa số bà con chuyển sang làm thuê cho các công trình thi công hoặc các trang trại. Còn theo Thượng tá Vũ Văn Thân, để tuyên truyền tốt vấn đề này, đồn cùng địa phương xuống từng hộ dân, vận động được 86/183 hộ dân cam kết không sử dụng lờ dây, nghề đáy để khai thác. Đồng thời, đồn tăng cường tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử phạt vi phạm hành chính 2 đối tượng 1,25 triệu đồng; phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành của huyện bắt giữ và xử phạt hành chính 15 trường hợp với số tiền 15 triệu đồng; phối hợp tuyên truyền pháp luật cho hơn 100 lượt ngư dân. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn ngày càng ổn định.
TIỂU MAI