Ngày 11-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi diễn ra phiên chất vấn, Quốc hội đã nghe Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày.
Ngày 11-6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi diễn ra phiên chất vấn, Quốc hội đã nghe Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày.
Cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.530 kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp, phân loại, xử lý để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2.108 kiến nghị. Nội dung kiến nghị đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trả chất vấn của đại biểu về giải pháp cho ổn định đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói, nền nông nghiệp trong nước đang thực hiện theo cơ chế thị trường nên tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng phải phù hợp với cơ chế thị trường và phải định hướng sản xuất phù hợp với thị trường thế giới, mà thị trường thế giới thì luôn có sự thay đổi. Cũng theo Bộ trưởng, kinh nghiệm hơn 20 năm qua cho thấy, cách tốt nhất là phải lựa chọn và phát huy những lợi thế của nước ta, hỗ trợ bà con nông dân làm ra sản phẩm với chất lượng cao hơn, giá hạ hơn để trong mọi tình huống của thị trường thì nông sản nước ta vẫn cạnh tranh cao, bán được với giá có lợi cho nông dân. Theo Bộ trưởng, hiện tại, với những diễn biến mới, thì về cơ bản vẫn nên tiếp tục cách tiếp cận đó.
Về hiệu quả của việc liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp chưa thành công, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, chủ trương liên kết “4 nhà” được đưa ra 10 năm nay. Trên thực tế như lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, trồng mía đường... thì sự liên kết thực hiện phổ biến. Những lĩnh vực không nhất thiết cần sự liên kết với doanh nghiệp thì sự kết nối lỏng lẻo hơn. Về nguyên nhân tại sao chưa thành công trong liên kết, Bộ trưởng giải thích do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, doanh nghiệp tiềm lực có thể liên kết và thực hiện liên kết không nhiều. Khi liên kết, cơ chế khâu trung gian gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân như tổ hợp tác, hợp tác xã còn yếu. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo sâu sát, những tiêu chí đưa ra như cánh đồng lớn còn chưa cụ thể.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để phát huy hơn nữa hiệu quả liên kết “4 nhà” trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; có những điều kiện để phát triển mạnh mẽ các tổ hợp tác, hợp tác xã hỗ trợ nông dân trong mối liên kết này. Sự sâu sát hơn của chính quyền cũng là yếu tố rất quan trọng.
Việc làm giàu từ đất lúa, giữ đất lúa cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi với người đứng đầu ngành Nông nghiệp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, phát triển sản xuất lúa gạo vừa để đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập. Chính phủ đã ban hành nghị định về quản lý đất lúa, trong đó đưa ra những chính sách để ngăn cản việc chuyển đổi dễ dãi từ đất lúa sang mục đích khác, nhất là mục đích phi nông nghiệp.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.
K.T (Tổng hợp)