Sáng 19-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Sáng 19-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được thông qua với 83% số đại biểu tán thành. Luật này quy định vị trí, chức năng của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của QH. Chính phủ chịu trách nhiệm trước QH và báo cáo công tác trước QH, Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Tiếp theo đó, QH biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 85,22% đại biểu tán thành. Luật này quy định về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính.
Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã. Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương, luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương theo hình thức phân quyền, phân cấp, theo các nguyên tắc được quy định trong luật.
Luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, thay thế cho Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2003/QH11.
Cũng trong buổi sáng, QH thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Tổ chức điều tra hình sự. Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành, không bổ sung kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quy định tại Điều 30 dự thảo luật, nhiều ý kiến đề nghị cơ bản giữ như quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể hơn theo hướng chỉ rõ từng tội danh trong nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền điều tra của các cơ quan này.
Các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết thành lập lực lượng Cảnh sát chống buôn lậu chuyên trách; giao quyền điều tra ban đầu cho Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Thú y và thảo luận về Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.
K.T (Tổng hợp)