Sáng 18-6, với 87,47% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016.
Sáng 18-6, với 87,47% số đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2016.
Cụ thể, tại kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII, QH tiến hành giám sát tối cao, tập trung vào một số nội dung: Thảo luận báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2016. QH cũng xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), Tổng Kiểm toán Nhà nước; xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII.
Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, QH sẽ xem xét, thảo luận báo cáo về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, NSNN 6 tháng đầu năm và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu QH nhiệm kỳ khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại kỳ họp thứ hai, QH xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2016. QH cũng sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét, thảo luận báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 QH khóa XIII và kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Đồng thời tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH. Cũng tại kỳ họp thứ hai, QH sẽ tập trung giám sát chuyên đề Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nghị quyết cũng quy định, căn cứ vào chương trình giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, HĐND, các Ủy ban của QH xây dựng, triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của mình và tổ chức hoạt động giải trình tại Hội đồng, Ủy ban. Các đoàn đại biểu QH, các đại biểu QH căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, phối hợp và tiến hành hoạt động giám sát, báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.
Tiếp đó, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phí và lệ phí. Về một số khoản phí, lệ phí cụ thể, đặc biệt là việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường và hè phố, nhiều đại biểu nêu ý kiến không đồng tình.
Đa số đại biểu QH tán thành với việc nâng Pháp lệnh Phí và lệ phí lên thành Luật Phí, lệ phí nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc của pháp luật phí, lệ phí hiện hành; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.
Buổi chiều, QH họp riêng để thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga, Đoàn đại biểu QH TP. Hà Nội.
K.T (Tổng hợp)